Thị trường

Bánh kẹo: Ngoại lấn nội

Sự hiện diện của bánh kẹo ngoại mang đến cho người tiêu dùng thêm sự lựa chọn, đồng thời cũng tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức giữa bánh kẹo nội và ngoại.

“Thị trường bánh kẹo Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Một số thương hiệu nước ngoài bắt đầu thâm nhập mạnh hơn, đặc biệt là Indonesia với nhãn hiệu Nabati đang có doanh thu cao và dự kiến năm 2013 xây dựng nhà máy ở Việt Nam” - đại diện một doanh nghiệp ngành thực phẩm tiết lộ.

Trở ngại từ nội địa

“Cuộc chiến trong lĩnh vực bánh kẹo là cuộc chiến không cân sức. Chúng ta không có tiềm lực tài chính, giá trị thương hiệu chưa cao, lộ trình giành thị phần chưa bài bản bằng các thương hiệu bánh kẹo ngoại”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Chí Nguyện, Tổng Thư ký Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, bánh kẹo Việt chủ yếu dựa vào khâu phân phối nhỏ lẻ, các cửa hàng tạp hóa.

Còn ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica, cho rằng: “Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp bánh kẹo Việt là tâm lý chuộng ngoại của người tiêu dùng, cho rằng đa phần bánh kẹo nước ngoài đều tốt hơn, ngon hơn. Do đó dù được cải tiến mạnh, bánh kẹo Việt vẫn gặp trở ngại trên sân nhà, nhất là phân khúc cao cấp”.

Theo đánh giá của ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo Á Châu (ABC), thì “hiện nay thương hiệu bánh kẹo ngoại không cạnh tranh về giá nữa mà chú trọng đến chất lượng và bao bì. Vì thế doanh nghiệp bánh kẹo Việt càng phải ổn định chất lượng sản phẩm. Đừng thấy bán được hàng, có khách hàng thì thêm cái này bớt cái kia, mua nguyên liệu rẻ hơn về làm, cái đó chỉ tự làm chết mình thôi, nếu bán rẻ hơn để cạnh tranh lại càng mau chết” - ông nói.

Một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm (không muốn nêu tên) thông tin ngoài Philippines và Malaysia, Indonesia đang nổi lên nhờ kỹ thuật công nghệ làm bánh kẹo tốt và rẻ. Khẩu vị sản phẩm làm ra không chỉ phù hợp với người tiêu dùng Indonesia mà còn với người tiêu dùng nhiều nước khác. Tại Việt Nam, thương hiệu bánh Nabati (nhằm vào khách hàng trẻ em) của Indonesia bán rất chạy, giá lại không cao và dễ ăn. Trong khi đó, bánh kẹo Việt dù giá ngang ngửa nhưng đa phần là quá ngọt, có mùi dầu… Một số đại gia bánh kẹo Indonesia là tỉ phú, họ cho biết có kế hoạch vào Việt Nam vì dân số đông, người tiêu dùng chịu chi và quan trọng là thích hàng ngoại. “Khi đó, không biết doanh nghiệp Việt mình chịu nổi không?” - vị này nói.

Sự lép vế của bánh kẹo nội còn thể hiện ở hệ thống phân phối. Đại diện Siêu thị Citimart cho biết bánh kẹo ngoại đa chủng loại chiếm 60%-70% quầy kệ của siêu thị này, chỉ một số thương hiệu bánh kẹo lớn Kinh Đô, Bibica, Hải Hà là trụ lâu dài ở đây. Hơn nữa, hàng nội rất chậm trong khâu đổi trả, không có đội ngũ tiếp thị chăm sóc quầy hàng.

Lấy hương vị truyền thống làm lợi thế

Theo chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, hiện nay các doanh nghiệp bánh kẹo Việt có lợi nhuận và doanh số tăng là nhờ sức tăng trưởng của thị trường lớn. Khoảng hai năm nữa, khi thị trường có dấu hiệu bão hòa và các hãng ngoại chính thức có mặt ở đây thì doanh nghiệp Việt khó mà đấu lại. Niềm tin người tiêu dùng đặt vào sản phẩm nội còn dè dặt. Họ cũng muốn ủng hộ hàng Việt nhưng vẫn phải chọn cái tối ưu nhất cho nhu cầu của mình.

“Doanh nghiệp bánh kẹo Việt biết điểm yếu của mình, đã nỗ lực đầu tư nhưng là đầu tư chưa tới. Để làm cho tới, họ phải tìm ra được đặc trưng bằng sản phẩm mang hồn Việt. Đây là sức mạnh để cạnh tranh. Ví dụ kẹo chuối, kẹo gừng làm từ nguyên liệu nội phải đóng gói đẹp, độc đáo để thu hút người tiêu dùng, tạo tâm lý tự hào khi dùng hàng nước mình. Chứ nếu mình cứ chạy theo con đường phát triển bánh gốc chocolate, gốc kem… như nước ngoài thì thua đứt đuôi rồi” - ông Hoàng phân tích.

“Người ta giờ mặc mốt thời thượng mà mình còn mặc áo bà ba nâu, đen thì không được rồi. Nhưng cái áo không làm nên thầy tu, quan trọng nhất vẫn là giữ vững chất lượng, khẩu vị sản phẩm truyền thống mới chắc thắng” - ông Kao Siêu Lực nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Chí Nguyện, Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, cho hay doanh nghiệp Việt sở hữu những yếu tố mà doanh nghiệp nước ngoài không có được, đáng lưu ý là thói quen bảo thủ về “khẩu vị” thực phẩm trong văn hóa người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, người Việt Nam cần kết nối nâng cấp “văn hóa hùn hạp”, mỗi người một khâu để cùng đi lên chứ đừng cản phá nhau kiểu thấy doanh nghiệp thuê mặt bằng bán bánh đắt hàng thì chủ mặt bằng nằng nặc lấy lại để tự bán nhưng sản phẩm làm ra thì không thể giống như sản phẩm của doanh nghiệp kia được.

Cẩn thận với bánh kẹo ngoại nhập

"Nhân mùa tết, nhiều đơn vị trong nước mua bánh xá từ Malaysia không rõ chất lượng, nguồn gốc, đem về Việt Nam đóng gói hoặc bán đổ đống ở các chợ đầu mối với giá rẻ. Không có cơ sở nào đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn cho các sản phẩm đó.

Mặt khác, một số dòng bánh cao cấp công bố nhập khẩu từ châu Âu nhưng thực chất là sản xuất tại các nước châu Á và đóng gói tại Việt Nam. Nếu như vậy thì chất lượng không thể tương đương so với sản xuất tại chính hãng. Tuy nhiên, sản phẩm lại được bán với giá tương đương. Người tiêu dùng thích hàng ngoại nhưng khó mà phân biệt được. Đây cũng là một điểm bất lợi trong cạnh tranh" (Bà Ngô Thị Phuơng Thảo, Giám đốc đối ngoại Công ty CP Bibica cho biết).

 

 

Đoàn Huế (Theo Pháp luật TP.HCM)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo