Báo chí Nam Mỹ đưa tin đậm nét về Việt Nam nhân kỷ niệm 30/4
Ngày 29/4, truyền thông Argentina đã đưa tin đậm nét về Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, hãng thông tấn của Chính phủ Argentina Telam đã đăng liên tục 5 bài viết liên quan tới Việt Nam trong đó đánh giá cao ý nghĩa chiến thắng 30/4, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong bài viết “Sài Gòn 40 năm trước: Kết thúc chiến tranh Việt Nam, Mỹ thất bại,” bài báo khẳng định chiến thắng 30/4 đã làm cả thế giới xúc động. Đây là thất bại thảm hại nhất của quân đội Mỹ. Nửa triệu lính Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam, trong số đó 58.000 người vĩnh viễn không trở về và hơn 300.000 bị thương và bị mắc các chứng bệnh về tâm lý sau khi trở về từ chiến trường. Trong khi đó, 2 triệu người Việt Nam đã thiệt mạng, rất nhiều trong số đó đã nằm xuống do bom, đạn trong đó có bom napal và chất độc màu da cam, do Mỹ rải thảm suốt 10 năm.
Đúng 12 giờ15 ngày 30/4/1975, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong bài viết khác với tiêu đề “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chia nước Mỹ làm đôi,” tác giả miêu tả về phong trào phản chiến ngay trên nước Mỹ. Bài viết nhớ lại vào tháng 10/1964, phong trào này phát triển mạnh mẽ, kêu gọi binh sỹ Mỹ đốt thẻ tân binh như trường hợp của công nhân David Miller, các đấu sỹ quyền anh Cassius Clay và Muhammad Alí.
Phong trào càng bùng nổ vào năm 1970, khi Mỹ mở rộng tấn công sang Campuchia và Lào. Lực lượng cảnh sát đã bắn vào đoàn sinh viên biểu tình chống chiến tranh ở Đại học Kent khiến 4 người chết và 9 người bị thương, khởi đầu cho các cuộc tuần hành khổng lồ ở Washington. Ngày 24/4/1971, nửa triệu người Mỹ đã biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trước Nhà Trắng.
Trong bài viết thứ ba, tờ Telam đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của hai nhà “chiến lược quân sự” đã được tờ báo sơ lược lại.
Tờ báo khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo thành công cuộc chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Nhật và đế quốc Mỹ. Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở nên lừng lẫy khắp 5 châu với Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hãng Telam cũng đăng lại bài viết của Đại sứ Việt Nam Nguyễn Đình Thao bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hết lòng ủng hộ cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, trong đó có nhân dân Argentina.
Bài viết cũng nêu bật những nỗ lực hàn gắn vết thương và tái thiết đất nước của dân tộc Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng từ 6 đến 7%/năm. Tỷ lệ người nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 8% năm 2014. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mở rộng hội nhập quốc tế, với việc thiết lập quan hệ ngoại với 180 quốc gia và có trao đổi thương mại với 200 nước và vùng lãnh thổ.
Trong bài viết khác, tờ Telam đưa tin Việt Nam sẽ kỷ niệm trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam. Sẽ có duyệt binh và diễu hành trước Cung Thống nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khắp nơi trên cả nước, nhiều hoạt động văn hóa lễ hội cũng diễn ra chào mừng ngày lễ trọng đại này của dân tộc.
Cùng ngày, tờ Tổng hợp Mỹ Latinh của Argentina đăng bài viết với tiêu đề “40 năm thống nhất: Việt Nam, cái tên của chiến thắng.” Bài báo đã tóm lược suốt chiều dài lịch sử chiến đấu và hy sinh của dân tộc Việt Nam qua 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tờ báo nhấn mạnh nói về Việt Nam hôm nay là để nhớ tới một trong những thành tựu vĩ đại của lịch sử đương đại. Sự kiên trì, niềm tin vào lý tưởng để thoát khỏi sự can thiệp của đế quốc. Ngoài Argentina, tổng hợp Mỹ Latinh được phát hành ở Uruguay, Venezuela, Cuba và châu Âu. Nhiều tờ báo ở Nam Mỹ cũng đã đăng lại bài viết này.
Trong khi đó, truyền hình quốc gia Venezuela đã đăng phóng sự do nhà báo Vincent Montagud mới thực hiện ở Việt Nam về các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Phóng sự nhấn mạnh 40 năm đã trôi qua, nhưng chiến tranh vẫn để lại hậu quả vô cùng thương tâm ở Việt Nam. Hàng nghìn người vẫn phải chịu đựng ảnh hưởng của chất độc màu da cam do quân đội Mỹ thả trong chiến tranh. Rất nhiều trẻ em ra đời với dị tật bẩm sinh và ung thư. Đa phần nạn nhân là cựu binh và con cháu của họ./.
Theo TTXVN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời tiết ngày mai 8/11 trên cả nước: Hà Nội chuyển rét, có nơi 19 độ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện mưa rào
PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường
Đà Nẵng: Cấm một số loại ô tô trên Quốc lộ 1 giờ cao điểm
Nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2024
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Phân cấp triệt để trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế
Cột tin quảng cáo