Báo chí "tiếp tay" quảng cáo thực phẩm chức năng như “thần dược”?
.
Trước tình trạng một số doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng (TPCN) và các cơ quan báo chí đăng quảng cáo sai phép, quảng cáo thực phẩm chức năng như "thần dược", phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng phòng Công tác Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về vấn đề này.
Thưa ông, có tình trạng đang diễn ra trong đời sống hiện nay đó là có một số đơn vị được cấp phép quảng cáo thực phẩm chức năng 1 đằng nhưng đã “đăng phát quảng cáo một nẻo”. Xin ông cho biết chi tiết thực trạng này như thế nào?
Thực trạng hiện nay, trên các phương tiện truyền thông vẫn còn có một số cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng quảng cáo vi phạm pháp luật về quảng cáo. Vấn đề này đã và đang được Cục ATTP tiến hành kiểm tra giám sát hằng ngày, liên tục mời các Công ty lên làm việc, hướng dẫn doanh nghiệp hiểu rõ các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm trong đó có thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trường hợp cố tình vi phạm, không tiếp thu khắc phục hành vi đã bị thu hồi Giấy xác nhận quảng cáo, đưa lên thông tin công khai vi phạm tại website của Cục ATTP (www.vfa.gov.vn).
Các trường hợp vi phạm chủ yếu trên phương tiện thông tin đại chúng thể hiện bằng việc đăng nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc đăng quảng cáo thực phẩm chưa được thẩm định nội dung.
Mặc dù có sự hợp đồng của Người quảng cáo (tức là của doanh nghiệp có sản phẩm) với đơn vị phát hành quảng cáo (đơn vị dịch vụ truyền thông), tuy nhiên như vậy là không đúng quy định, và cần có sự phối hợp quản lý của các cơ quan chức năng để làm giảm tình trạng vi phạm quảng cáo. Trên các trang mạng, tình trạng vi phạm mang tính phổ biến hơn, rất đa dạng dưới nhiều hình thức, Cục ATTP đã mời nhiều Công ty có sản phẩm quảng cáo vi phạm để xử lý, yêu cầu các
Công ty gỡ bỏ các trang vi phạm, không được tái diễn vi phạm bằng văn bản. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trang mạng quảng cáo vi phạm mà cơ quan Bộ Y tế đã chuyển sang cơ quan quản lý của Bộ TT&TT xử lý theo quy định (Vì không phải tất cả các trang mạng đều là của Công ty là thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm thực phẩm), do vậy, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý chuyên ngành TT&TT mới có thể giải quyết thực trạng này.
Ông có thể đưa ra những đánh giá cơ bản về hậu qủa của việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai phép?
Việc quảng cáo TPCN sai phép có nhiều tác hại, trước hết có thể nói ngay là Người tiêu dùng chịu thiệt nhất, bởi các thông tin quảng cáo không chính xác có thể gây ra sự hiểu lầm sản phẩm TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh, làm cho người bệnh lầm tưởng có thể chữa được bệnh, tốn kém tiền của sử dụng để điều trị trong một thời gian dài mà không mang lại hiệu quả, trong thời gian đó, bệnh có thể đã diễn biến nguy hiểm, nặng hơn, khó điều trị hơn.
Việc quảng cáo TPCN sai quy định tạo sự không công bằng trong việc kinh doanh sản xuất sản phẩm thực phẩm giữa các doanh nghiệp. Việc quảng cáo TPCN sai quy định dẫn đến việc mất niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm chức năng, ảnh hưởng uy tín các loại TPCN thực sự có công dụng tốt cho con người, ảnh hưởng đến chiến lược chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Việc quảng cáo TPCN sai quy định còn ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế quốc dân, khi TPCN bị mất uy tín trong nước và Quốc tế…
Có thể nói bao nhiêu phần trăm đơn vị vi phạm, có những vi phạm điển hình nào mà Cục An toàn thực phẩm đã xử lý?
Đến nay, các địa phương chưa có báo cáo chi tiết theo chuyên đề thanh tra về quảng cáo thực phẩm, do vậy chưa có số liệu cụ thể bao nhiêu phần trăm đơn vị quảng cáo thực phẩm có vi phạm. Dự kiến, trong thời gian tới (cuối năm 2014 hoặc từ năm 2015) trở đi sẽ triển khai thanh tra theo những chuyên đề sâu theo từng tiểu lĩnh vực, trong đó có những đợt thanh tra chuyên về quảng cáo thực phẩm. Tức là sẽ chọn ngẫu nhiên các cơ sở có quảng cáo thực phẩm để thanh tra chuyên về quảng cáo, từ đó rút ra tỷ lệ vi phạm.
Tại Cục ATTP, trong 7 tháng đầu năm vừa qua đã xử phạt trên 60 trường hợp vi phạm, trong số đó có trên 30 trường hợp vi phạm bị xử phạt do vi phạm về quảng cáo (tỷ lệ này khác với tỷ lệ % nêu tại mục 3.1), điển hình là trường hợp Công ty cổ phần dược phẩm Vinh Gia, trong 6 tháng đầu năm 2014 bị xử phạt hành chính 04 lần, với tổng số tiền phạt 130 triệu đồng. Hiện nay, Cục ATTP đang xem xét, trường hợp tiếp tục vi phạm sẽ thu hồi giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Xin Cục cung cấp thông tin chi tiết về quảng cáo, và giấy phép của sản phẩm Cốt Bách Bổ, Mãnh Chú Diệu Khang?
Trước hết, Cục ATTP khẳng định: Cho đến nay, tất cả các trường hợp vi phạm được Cục ATTP phát hiện, xử lý đều đã được công bố công khai trên website của Cục, sau đó các báo, đài cũng đã đưa tin và hầu hết các cơ sở có vi phạm, bị xử lý đã khắc phục, sửa chữa. Trường hợp tiếp tục vi phạm được phát hiện sẽ bị xử lý và Cục ATTP không có chủ trương nhắc đi, nhắc lại các trường hợp vi phạm đã được công khai, cơ sở đã sửa chữa (quan điểm của Cục ATTP là ưu tiên bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính).
Với 3 trường hợp được nhắc đến trong câu hỏi này, Cục ATTP thông tin lại như sau: - Sản phẩm TPCN Mãnh chúa diệu khang và Cốt bách bổ là các sản phẩm của Công ty TNHH Health Plus Gia Khánh, do Công ty TNHH Bảo Bình An quảng cáo trên một số báo. Với hành vi trên, Cục ATTP đã xử phạt hành chính với tiền phạt 25 triệu đồng (tháng 7/2014).
Xin hỏi, trong quá trình xử lý có vướng mắc nào không?
Hiện nay, việc xử lý các vi phạm đang gặp phải một số khó khăn nhất định, cụ thể là: Sự vi phạm của một số đơn vị phát hành quảng cáo, trong đó có một số báo đã vi phạm thể hiện bằng việc đăng nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (mặc dù có sự hợp đồng của Người quảng cáo, tức là của doanh nghiệp có sản phẩm, nhưng việc đơn vị phát hành quảng cáo đăng như vậy là vi phạm, trong đó có cả một số báo), việc xử lý đối với người phát hành quảng cáo cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng quản lý quản lý chuyên ngành này.
Hiện nay, việc quảng cáo trên các trang website được coi là quá dễ dãi và việc vi phạm đang khá phổ biến.
Cục ATTP đã nhận được ý kiến phản ánh của một số doanh nghiệp về việc họ không quảng cáo trên website nhưng vẫn có nhiều trang website tự quảng cáo sản phẩm của họ. Một số cơ sở đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý hành vi này (website không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế).
Tháng 6, Thanh tra Bộ TT&TT cũng đã có văn bản gửi đến các báo yêu cầu chấn chỉnh lại hoạt động đăng phát thông tin này, sau đó theo dõi của Cục tình trạng này như thế nào?
Từ sau tháng 6/2014, được sự tăng cường vào cuộc của Thanh tra Bộ TT&TT đã có văn bản gửi đến các báo yêu cầu chấn chỉnh lại hoạt động đăng phát thông tin này, Cục ATTP đã theo dõi có sự chuyển biến tích cực hơn, đã giảm nhiều vi phạm, tình trạng vi phạm trên các Báo chưa hết, vẫn còn một số Báo đăng tải các bài quảng cáo TPCN có nội dung không phù hợp với nội dung của Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan có thẩm quyền xác nhận, có bài quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trên các trang mạng, website vẫn tồn tại vi phạm phổ biến. Rất mong cơ quan quản lý chuyên ngành (của Bộ TT&TT) có biện pháp quản lý phối hợp với Cục ATTP nhằm đem lại sự lành mạnh trong quảng cáo TPCN.
Từ thực tiễn quản lý, Cục ATTP cần sự phối hợp như thế nào đối với cơ quan báo chí?
Hằng tháng, Cục ATTP đã có văn bản gửi cơ quan quản lý các cơ quan TT&TT về danh sách của các cơ sở đã được Cục ATTP thẩm xét và công khai trên website của Cục: www.vfa.gov.vn. Các cơ quan báo chí tham gia tuyên truyền, quảng cáo về lĩnh vực chuyên môn nên tham khảo website của Cục ATTP hoặc ý kiến của cơ quan chuyên môn về các bài viết trước khi đăng tải, tránh vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho các doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm TPCN sai phạm. Tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật về quảng cáo (Điều 12 của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo): chỉ quảng cáo nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm xét. Cơ quan báo chí cần phổ biến rộng rãi pháp luật, lên án các hành vi vi phạm về quảng cáo, cùng chung tay đẩy lùi tình trạng quảng cáo sai quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất