Thị trường

Báo động chỉ số sáng tạo

Ngân hàng Phát triển châu Á và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố Chỉ số Năng suất Sáng tạo (CPI) của 22 nền kinh tế Châu Á, trong đó Việt Nam chỉ xếp thứ 16/24 nền kinh tế và bị đánh giá thấp về nhân lực, giáo dục, số bằng sáng chế và ấn bản khoa học.

Khả năng sáng tạo của VN chỉ ở mức trung bình

Chỉ số năng suất sáng tạo (CPI) được ban hành là thước đo khả năng sáng tạo và sáng kiến của các nền kinh tế thông qua việc so sánh giữa đầu tư vào sáng tạo (đầu vào) với sản phẩm sáng tạo (đầu ra). Ở phương diện “đầu vào”, khả năng sáng tạo được tính theo 3 nhóm lớn: mức độ sáng tạo, động cơ sáng tạo và độ thuận lợi của môi trường cho sáng tạo. “Đầu ra” được cân nhắc trên cả các tiêu chí truyền thống, như số bằng sáng chế, và các tiêu chí nhằm tạo ra tri thức.

Nếu nói chi tiết hơn, chỉ số CPI được tính dựa trên 36 chỉ số “đầu vào” như nền kinh tế đó có bao nhiêu trường đại học được xếp trong danh sách 500 trường hàng đầu thế giới, tỷ lệ đô thị hóa, chi phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tham nhũng, quan liêu…Tám chỉ số “đầu ra” gồm số bằng sáng chế được phát minh, giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, số sách và phim ảnh được sản xuất…

Dựa trên bằng xếp hạng, Nhật Bản là nước đứng đầu khu vực châu Á, theo sau là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Việt Nam bị đánh giá khả năng sáng tạo chỉ ở mức trung bình, với cả “Đầu vào” và “Đầu ra” đứng ở nửa cuối danh sách. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

ADB nhận định, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc cung cấp nhân lực, với 27,2 điểm trên 100. Dù hơn 90% dân số biết chữ, hệ thống trường lớp và chương trình học của Việt Nam được cho là đã lỗi thời. Việt Nam thiếu kỹ năng trong ngành dịch vụ, công nghệ thông tin, ngân hàng và tài chính. Thứ hạng của Việt Nam về “đầu ra” thấp vì sản phẩm khoa học nghèo nàn, kể cả sáng chế và công bố khoa học trong các ấn phẩm chuyên ngành.

Để tăng chất lượng “đầu ra” trong lĩnh vực khoa học, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tập trung đầu tư nhiều hơn vào giáo dục đại học và cao học nhằm thu hút nhiều hơn sinh viên tham gia vào các chương trình mang tính chất khoa học và khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Việc công bố chỉ số CPI với kỳ vọng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách biết cách tăng cường sáng tạo và đột phá tại Châu Á. Tại Việt Nam, mới đây, ngày 10/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1612/QĐ-TTg phê duyệt danh mục Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Chương trình hướng đến nâng cao hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tập trung vào 6 lĩnh vực chính sách gồm ngân hàng, tài khóa, hành chính công, quản trị DNNN, đầu tư công và cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện chỉ số CPI cũng là một điểm cần đặc biệt chú ý. Có thể xem việc nâng cao chỉ số CPI với nâng cao năng lực cạnh tranh là hai vấn đề có quan hệ hữu cơ và có tác động tương hỗ cho nhau.

 

VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo