Tin tức - Sự kiện

Báo động tình trạng làm việc tới chết ở Nhật Bản

Việc một công nhân Nhật Bản tự sát ở tuổi 23 sau khi làm thêm 190 giờ trong tháng đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn này.

Thanh tra lao động Nhật Bản xác định vụ tự sát của người đàn ông 23 tuổi làm việc ở công trường xây dựng sân vận động Olympic mới ở Tokyo là do làm việc quá sức và gia đình nạn nhân đủ điều kiện để nhận bồi thường của chính phủ - theo tin tức trên báo VnExpress.

Hiroshi Kawahito, luật sư đại diện gia đình người thiệt mạng, cho biết nạn nhân phụ trách quản lý chất lượng vật liệu tại công trường trong gần một năm. Anh này làm thêm 190 giờ trong một tháng trước khi tự sát trên núi hồi tháng Ba. Thanh tra lao động ở Tokyo cũng phát hiện nạn nhân làm thêm đến 160 giờ hồi tháng Một.

Cường độ làm việc tại công trường sân vận động mới tăng lên do thời điểm khởi công bị trì hoãn. Một ngày làm việc trung bình của dự án do công ty xây dựng Taisei Corp của Nhật Bản dẫn đầu có khoảng 1.000 công nhân.

Công trường xây dựng sân vận động Olympic ở Gaiemmae, Tokyo (Ảnh: Barcroft).

Hồi tháng 7, cái chết của nam công nhân thu hút sự chú ý của dư luận khi gia đình nạn nhân đề nghị chính phủ xác nhận con trai họ chết do làm việc quá sức. Thi thể nạn nhân được tìm thấy hồi tháng 4, vài tuần sau khi anh này mất tích. Trong thư tuyệt mệnh, nạn nhân nói cả thể chất và tinh thần đã bị đẩy tới giới hạn.

Các quan chức của chính phủ và công ty Taisei cho biết đã giám sát chặt chẽ việc làm thêm giờ và có biện pháp cải thiện môi trường làm việc kể từ thời điểm trên. Tuy nhiên, trong cuộc điều tra gần 800 nhà thầu phụ của Taisei cuối tháng 9, thanh tra lao động phát hiện tình trạng vi phạm về làm thêm giờ ở gần 40 công ty. Người lao động tại 18 công ty làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng. Nhiều người vượt ngưỡng 150 giờ trong tháng.

Khu vực xây dựng hiện không nằm trong kế hoạch thắt chặt giới hạn giờ làm thêm do chính phủ đề ra. Năm ngoái, đây là một trong những khu vực có nhiều người chết do làm việc quá sức nhất ở Nhật Bản với 16 nạn nhân theo ghi nhận của chính phủ.

Người Nhật Bản làm việc nhiều hơn hầu hết người châu Á (Ảnh: Internet).

Làm việc tới chết đã trở thành một vấn nạn của xã hội Nhật Bản. Những cái chết trẻ gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thanh niên làm việc quá giờ dẫn tới chết vì kiệt sức. "Karoshi" - làm thêm giờ đã trở thành một nét văn hóa của Nhật Bản. Việc những thế hệ trước miệt mài lao động đã khiến Nhật Bản có bước tiến vượt bậc, trở thành cường quốc kinh tế. Ngày nay, công sở Nhật vẫn giữ nếp làm việc như vậy. Gần 25% công ty Nhật Bản có nhân viên làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng mà không được trả lương. Còn 12% nhân viên làm việc thêm 100 giờ mỗi tháng. Theo khoa học, làm thêm quá 80 giờ mỗi tháng là ngưỡng tăng nguy cơ tử vong.

Hồi tháng 2, chiến dịch cân bằng giữa công việc và cuộc sống của chính phủ Nhật được khởi động. Chính phủ kêu gọi chủ doanh nghiệp cho nhân viên tan sở vào khoảng 15h ngày thứ Sáu cuối cùng mỗi tháng. Sự kiện được gọi là Premium Friday (tạm dịch: Phần thưởng ngày thứ Sáu). Chính phủ cũng hối thúc doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ phép nhiều hơn. Người lao động Nhật có 20 ngày phép mỗi năm nhưng 35% số lao động không nghỉ phép.

 

Mẹ của Matsuri Takahashi khóc trước di ảnh con gái. Ảnh: Japan Times

Hôm 29/9, một tòa sơ thẩm xử công ty quảng cáo Nhật Bản Dentsu nộp phạt gần 4.500 USD trong vụ nhân viên Matsuri Takahashi 24 tuổi tự sát năm 2015. Takahashi bị trầm cảm sau khi làm thêm 100 giờ trong tháng và nhảy lầu tự tử ở nhà. Mức phạt khiến dư luận phẫn nộ vì cho rằng không tương xứng.

Đài NHK Nhật Bản tuần qua cũng công khai việc nữ phóng viên Miwa Sato chết do suy tim ở tuổi 31 hồi mùa hè năm 2013. Cô ra đi tại nhà khi trên tay vẫn cầm điện thoại. Sato làm thêm 159 giờ trong một tháng khi tham gia đưa tin bầu cử Hội đồng thủ đô Tokyo và bầu cử thượng viện Nhật Bản từ tháng 6 đến 7/2013. Cô được xác nhận chết do làm việc quá sức.

Nên đọc

Minh Hồng (Tổng hợp theo báo VnExpress, Phununews)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo