Chứng khoán

Bao giờ bộ chỉ số 2 sở giao dịch chứng khoán hợp nhất?

Một trong những giải pháp ngành chứng khoán đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2014 là sẽ xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn TTCK; xây dựng tiêu chí phân ngành thống nhất tại 2 Sở GDCK theo thông lệ quốc tế và xây dựng bộ chỉ số trái phiếu.

Cùng với đó, sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường thông qua áp dụng một số loại lệnh giao dịch mới, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.

 
Hiện 2 Sở GDCK vận hành 2 bộ chỉ số riêng biệt, chưa có tổ chức nào đứng ra xây dựng bộ chỉ số chung toàn thị trường. Thực tế, cách thức phân ngành DN tại 2 Sở cũng có một số điểm khác biệt. Tại Sở GDCK Hà Nội, việc phân ngành công bố từ tháng 10/2013, được xây dựng dựa trên cơ sở Hệ thống phân ngành Việt Nam (Vietnam Standard Industrial Classification 2007 - VSIC 2007), các khuyến nghị về gộp ngành của ISIC Rev. 4 và tham khảo nguyên tắc, phương pháp phân ngành của một số hệ thống phân ngành lớn trên thế giới như (ICB, GICS …). Tại HOSE, việc phân ngành cũng dựa trên Hệ thống VSIC 2007 và theo tiêu chí phân ngành của HOSE.
 
Vì có sự khác biệt nhất định trong tiêu chí phân ngành DN giữa 2 Sở, nên khả năng tạo ra bộ chỉ số chung toàn thị trường theo nhóm ngành là khó có thể thực hiện được khi tiêu chí phân ngành còn chưa thống nhất. Trong bối cảnh này, việc xây dựng bộ chỉ số chung toàn thị trường, trong đó có chỉ số chung về ngành của các DN khó có thể thực hiện ngay trong 6 tháng cuối năm, khi 2 Sở vẫn đang hoạt động độc lập như hiện nay.
 
Liên quan đến Đề án hợp nhất 2 Sở, hiện UBCK đã xây dựng, dự kiến trình Bộ Tài chính vào đầu quý III năm nay. Việc hợp nhất 2 Sở nhằm tạo nên một TTCK thống nhất, với quy mô thị trường lớn hơn, đủ sức giúp chứng khoán Việt Nam nâng hạng trên thị trường khu vực và hấp dẫn hơn các dòng vốn lớn quốc tế. Việc hợp nhất và theo đó là thống nhất các tiêu chí phân ngành, quản lý DN trên TTCK cũng sẽ giúp thông tin về DN phục vụ cho công tác quản lý, kinh doanh thống nhất, rõ ràng hơn.
 
Trên thế giới, có 2 xu hướng hợp nhất Sở GDCK. Xu hướng thứ nhất là hợp nhất giữa các sở GDCK xuyên biên giới. Các sở này thường là công ty đại chúng, hợp nhất để tăng quy mô, tăng thanh khoản, vì mục tiêu lợi nhuận cho cổ đông. Xu hướng thứ hai là hợp nhất trong nội bộ quốc gia, nhắm hướng đến việc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và các thành viên thị trường. Xu hướng này đã từng diễn ra tại Thái Lan, Malaysia, Nhật, Hàn Quốc và đang trên đường trở thành hiện thực tại Việt Nam.
 
Việc hợp nhất các sở cùng một quốc gia xuất phát từ việc tạo nên một công cụ phát triển kinh tế vĩ mô nhiều hơn là việc hướng đến lợi nhuận của mỗi Sở. Tại Việt Nam, điểm thuận lợi là 2 Sở là hai tổ chức của Nhà nước, hoạt động vì sự phát triển chung của nền kinh tế. Với cách tư duy này, việc hợp nhất 2 Sở tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện và đến nay đạt được sự thống nhất về chủ trương trong toàn ngành. Tuy nhiên, thời điểm thực thi vẫn chưa hé lộ, còn cần chờ đề án Bộ Tài chính trình và được Chính phủ thông qua.
 
Cùng với những lợi ích của việc hợp nhất 2 Sở, nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều điểm cần phải cân nhắc trong phương án này. Với mô hình 2 Sở, áp lực cạnh tranh phục vụ DN, phục vụ nhà đầu tư và công chúng tốt hơn là khá rõ nét. Các Sở đã và đang phải cố gắng nhiều hơn để thu hút DN niêm yết trên sàn mình, thu hút nhà đầu tư giao dịch để tạo thanh khoản lớn hơn cho thị trường, thu hút các CTCK hợp sức xây dựng sản phẩm mới để mở rộng không gian phát triển… Tuy nhiên, khi hợp nhất chỉ có 1 Sở GDCK, đâu sẽ là động lực thúc đẩy Sở GDCK đổi mới, phát triển? Liệu có xảy ra tình trạng độc quyền tự nhiên trong hoạt động của Sở hay không? Đây là những vấn đề dư luận quan tâm và cần được giải thích rõ ràng khi hợp nhất 2 Sở, hơn là việc trông chờ một bộ chỉ số chung trên toàn thị trường.
 
Trong kế hoạch hoạt động của ngành chứng khoán 6 tháng cuối năm nay không đề cập cụ thể về tiến trình hợp nhất 2 Sở. Tuy nhiên, dư luận vẫn dõi theo từng bước nhỏ trong động thái này, vì đây là câu chuyện rất lớn của TTCK Việt Nam.
Theo Đầu tư chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo