Bảo hiểm nhân thọ: Thị trường béo bở khó xơi
Việt Nam luôn được đánh giá là một thị trường mới nổi nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, cho đến nay các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) mới chỉ chiếm lĩnh được một phần nhỏ thị trường này, bởi để thuyết phục và tiếp cận người mua bảo hiểm, nhất là người dân nông thôn rất khó. Trong khi đó hầu hết các thương hiệu bảo hiểm trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam.
Dư địa thị trường lớn
Chính thức được triển khai từ năm 1996, đến nay sau gần 20 năm phát triển BHNT Việt Nam vẫn được đánh giá còn rất non trẻ, người dân vẫn chưa có sự quan tâm đến các sản phẩm bảo hiểm, dù các doanh nghiệp trong ngành liên tục tung ra nhiều sản phẩm. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa ngành BHNT Việt Nam không tăng trưởng. Nhìn lại năm 2014, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng BHNT lại có mức tăng trưởng khá tốt.
Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) tăng 10,5%; BHNT tăng 17,9%. Số lượng hợp đồng khai thác mới (hợp đồng bảo hiểm chính) ước đạt 1.252.157 hợp đồng, tăng 6,26% so với cùng kỳ 2013. Doanh thu phí khai thác mới ước đạt 8.678 tỷ đồng, tăng 12,59% so với cùng kỳ năm 2013.
Chất lượng hợp đồng khai thác mới và phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác mới ước đạt 6,9 triệu đồng/hợp đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013. Những kết quả tích cực này đã giúp các doanh nghiệp trong ngành cũng như cơ quan quản lý giám sát bảo hiểm tự tin khi bước vào năm 2015. Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, nói: “Chúng tôi kỳ vọng năm 2015 thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, với tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến tăng 12% so với năm 2014”.
Trong 2 tháng đầu năm 2015, thị trường BHNT tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan. Cụ thể, tổng doanh thu phí BHNT 2 tháng ước đạt 3.074,7 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 1.249,75 tỷ đồng, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước; số lượng hợp đồng khai thác mới (hợp đồng bảo hiểm chính) ước đạt 179.828 hợp đồng, tăng 44,39% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, kết quả này sẽ là bước đệm cho những tháng tiếp theo, bởi các doanh nghiệp BHNT đang ngày càng chinh phục được nhiều khách hàng hơn. Tuy vậy, số lượng khách hàng đến thời điểm này vẫn còn rất khiêm tốn so với dân số hiện nay.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện có khoảng 6 triệu hợp đồng BHNT cho sản phẩm bảo hiểm chính và 6 triệu hợp đồng bảo hiểm bổ trợ. Các doanh nghiệp BHNT cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc 30% dân số sống ở thành thị, những người có thu nhập khá và ổn định. Những nông dân có trang trại trồng cây ăn trái hay nuôi trồng thủy hải sản cũng được doanh nghiệp bảo hiểm chú ý tiếp cận, nhưng chưa đồng đều và ổn định.
Các phân khúc khách hàng khác như người có thu nhập trung bình và thấp, có nhu cầu mua bảo hiểm với mệnh giá và mức phí phù hợp hầu như vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Điều này đang chỉ ra một thực tế là khi người dân thành thị, đặc biệt những người có thu nhập khá và ổn định còn khó thuyết phục, việc chiếm lĩnh thị phần khu vực nông thôn sẽ là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp ngành bảo hiểm.
Khối ngoại tranh thủ chiếm thị phần
Thị trường BHNT Việt Nam hiện được xem là sân chơi riêng của khối ngoại, doanh nghiệp nội có tham gia nhưng bị chìm lấp trong các liên doanh với các tên tuổi ngoại qua những thương vụ bán cổ phần khá đình đám. Tiêu biểu như Bảo Việt (công ty mẹ của Bảo Việt Nhân thọ) có cổ đông chiến lược là Sumito Life, PVI Sun Life (công ty con của PVI) với sự tham gia của Tập đoàn Sun Life (Canada)…
Theo một báo cáo của Ernst&Young (EY) về “Sự chuyển dịch của ngành bảo hiểm tại các thị trường mới nổi”, cho thấy Việt Nam đang là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh có nhiều triển vọng nhất. Sự tăng trưởng thu nhập và phí bảo hiểm đã giúp Việt Nam lọt vào top 2 thị trường thu hút các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Theo dự báo trong năm 2015 và 2016 sẽ còn có sự đổ bộ của một số doanh nghiệp BHNT lớn khác vào thị trường.
Tuy nhiên, vì thị trường còn mới nên doanh nghiệp nước ngoài dù có nhiều kinh nghiệm cũng không thể tránh khỏi lúng túng ban đầu. Ông Stephen Clark, Tổng giám đốc AIA Việt Nam, đánh giá: “Một thách thức đang tồn tại trong những năm qua là chỉ một tỷ lệ rất ít người dân Việt Nam tham gia BHNT.
Ngoài thực tế về khả năng chi trả, nguyên nhân chính của vấn đề là người dân chưa ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sở hữu một hợp đồng BHNT”. Cũng chính thách thức này khiến cuộc đua giành thị phần trong thị trường BHNT chưa bao giờ thôi khốc liệt. Tính đến hết năm 2014, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm nhìn chung không có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm 2013.
Dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2014 vẫn là Prudential Việt Nam (32,85%), Bảo Việt Nhân thọ (26,94%), Manulife Việt Nam (11,49%), Dai-ichi Life Việt Nam (9,51%), AIA Việt Nam (8,45%). Song hành với đó, nhóm dẫn đầu thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới năm 2014 vẫn là Prudential Việt Nam (ước đạt 24,6%), Bảo Việt Nhân thọ (ước đạt 24%), tiếp đến là Dai-ichi Life Việt Nam, Manulife Việt Nam và AIA Việt Nam.
Tuy chưa thể vượt mặt doanh nghiệp nhóm đầu, nhưng các doanh nghiệp thuộc nhóm mới gia nhập thị trường đã có sự bứt phá trong năm 2014. Cụ thể, phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác mới trên thị trường ước đạt 6,9 triệu đồng/hợp đồng, trong đó nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhóm mới có phí bình quân hợp đồng tăng cao.
Điển hình như Generali Việt Nam, phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác mới của doanh nghiệp này trong năm 2014 ước khoảng 30,92 triệu đồng/hợp đồng; Bảo hiểm Phú Hưng (ước 17,35 triệu đồng/hợp đồng); Bảo hiểm Aviva (ước 16,34 triệu đồng/hợp đồng), PVI Sun Life (ước 13,14 triệu đồng/hợp đồng)...
Đặc biệt, trong năm 2014, có 4 doanh nghiệp BHNT tăng vốn điều lệ đều là những doanh nghiệp nhóm mới, gồm Hanwha (tăng 931,4 tỷ đồng), Prévoir (tăng 70 tỷ đồng), Generali Việt Nam (tăng 374 tỷ đồng) và Great Eastern (tăng 90 tỷ đồng). Sự tham gia của nhiều tay chơi đang giúp cuộc chơi ngày một công bằng và minh bạch hơn, giúp ngươi tiêu dùng được thụ hưởng nhiều sản phẩm thực tế và hấp dẫn hơn.
Thiệt và hơn với người mua
Dù đã phát triển được gần 20 năm nhưng thị trường BHNT của Việt Nam vẫn còn khá trẻ, số lượng người tham gia còn rất khiêm tốn. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp ngành bảo hiểm. Làm sao để người tiêu dùng hiểu được lợi ích thực sự của việc mua BHNT không hề đơn giản, ngay cả ở các thành phố lớn.
Vậy mua bảo hiểm có lợi hay không? Nếu xét một cách đúng mực nó thực sự có lợi cho người mua. Ở nhiều quốc gia phát triển tỷ lệ người dân mua BHNT rất lớn. Tính đến hết năm 2014, phí bảo hiểm bình quân của người dân Việt Nam chỉ ở mức 17-18USD/năm, trong khi tại những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản con số này là 3.600-3.700USD/năm. Một vài khảo sát đã chỉ ra rằng nhiều người dân Việt Nam mua BHNT với suy nghĩ đó là tiền tiết kiệm, chưa quan tâm đến tính rủi ro, trong khi đây là yếu tố chính thể hiện vai trò của bảo hiểm nói chung và BHNT nói riêng.
Vậy so với các sản phẩm tiết kiệm khác, BHNT có ưu thế gì? BHNT là hình thức tiết kiệm thường xuyên và có kế hoạch. Khi đã quyết định mua một hợp đồng BHNT, các khoản phí nhỏ đóng hàng tháng được coi như là chi phí thường xuyên như tiền ăn, tiền điện, tiền nước... và người đại lý là người thường xuyên nhắc nhở và thu khoản tiền này. BHNT hỗ trợ khó khăn về tài chính cho thân nhân và gia đình người được bảo hiểm khi người được bảo hiểm gặp rủi ro bằng một khoản tiền lớn, ngay cả khi họ mới kịp tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ.
Dù vậy, việc mua BHNT không phải hoàn toàn có lợi 100%, nhất là trong bối cảnh thị trường đang ở giai đoạn mới phát triển như hiện nay. Để nhanh chóng gia tăng thị phần, các doanh nghiệp bảo hiểm phải chạy đua trong việc mở rộng đại lý và phát triển đội ngũ tư vấn viên.
Nhưng càng mở rộng việc đào tạo, quản lý lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Không ít đại lý và tư vấn viên, để tăng trưởng doanh thu, hưởng nhiều hoa hồng, đã tư vấn không rõ ràng, thậm chí qua loa để rồi người mua phải ngậm trái đắng khi có sự cố xảy ra. Chính bất cập này đã tạo ra những rào cản khó xóa bỏ trong suy nghĩ của nhiều người dân.
Có thể thấy, phát triển mạnh BHNT ở Việt Nam còn là chặng đường dài phía trước. Để người tiêu dùng thực sự tin tưởng vào các sản phẩm BHNT, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết trong năm 2015 sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm phải kiên quyết hơn trong việc thanh lọc đội ngũ của mình, lấy lại niềm tin nơi người tiêu dùng.
Theo Sài Gòn Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Cột tin quảng cáo