Bảo hiểm xã hội: Chưa hấp dẫn nông dân
Cần có chính sách khuyến khích
“Mở màn” cho thảo luận về dự thảo luật này, chính Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cũng đánh giá những mặt hạn chế của BHXH tự nguyện hiện nay như: Mức đóng BHXH tự nguyện hiện quy định còn khá cao so với đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn và lao động tự do có thu nhập hàng tháng thấp, không ổn định.
Luật BHXH lần này cũng mở rộng đối tượng mua BHXH bắt buộc tới nông dân, lao động tự do có ký hợp đồng lao động ngắn hạn. Tán thành việc mở rộng đối tượng như dự thảo Chính phủ trình vì phù hợp với quan điểm của Đảng về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, để nâng mức độ bao phủ, đa số các nước quy định áp dụng BHXH bắt buộc đối với tất cả những người lao động có giao kết hợp đồng bằng văn bản. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức và nông nghiệp rất lớn (chiếm khoảng 70% lực lượng lao động) nên cần thiết đưa các đối tượng này vào BHXH bắt buộc. Đồng thời, nghiên cứu việc thể hiện đơn vị tính thời gian là “tháng”, “ngày” thay cho “năm” để đáp ứng tính đa dạng, linh hoạt của các loại hình lao động.
“Khuyến khích nông dân tham gia BHXH là cần thiết, song nên lựa chọn bước đi thích hợp vì hiện nay năng lực quản lý lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đối tượng tham gia BHXH… còn nhiều hạn chế. Trong điều kiện hiện nay, cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động và có giải pháp thu hút nhóm đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho lao động tự do có mức thu nhập thấp tham gia BHXH làm cơ sở cho việc tham gia BHXH bắt buộc trong tương lai đối với nhóm này”- bà Mai đánh giá.
Cần nhưng không “với” tới
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội còn chỉ ra chính sách BHXH tự nguyện hiện hành đang tồn tại nhiều bất cập và chưa bình đẳng với BHXH bắt buộc về các khoản chi trả. “Do vậy, việc sửa đổi luật đòi hỏi phải có sự đột phá, tạo ra sức hấp dẫn của chính sách để khuyến khích, thu hút sự tham gia của người lao động, thúc đẩy việc phát triển đối tượng, mở rộng diện bao phủ BHXH, khuyến khích việc tăng mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng BHXH tự nguyện”- bà Mai nói.
Một trong những lý do khiến nông dân “ngại” tham gia BHXH tự nguyện bởi mức đóng khá cao. Cụ thể: Từ tháng 1.2008 đến tháng 12.2009 đóng bằng 16% lương tối thiểu; Từ tháng 1.2010 đến tháng 12. 2011 bằng 18% lương tối thiểu; Từ tháng 1.2012 đến tháng 12.2013 bằng 20% lương tối thiểu; Từ tháng 1.2014 trở đi bằng 22% lương tối thiểu, tương đương khoảng 250.000 đồng/tháng. Trong khi đó, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chính sách lương hưu và tử tuất.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tới cuối năm 2013, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn 24.000 người (19,8%) so với cùng kỳ năm 2012, nâng tổng số người tham gia lên hơn 146.000 người. Tuy nhiên, con số này còn quá nhỏ nhoi so với số tham gia BHXH bắt buộc và so với tổng số lao động là nông dân, lao động làng nghề, lao động tự do...
Trong khi đó, rất nhiều nông dân mong mỏi được tham gia BHXH, được có lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già. Báo NTNN đã từng phản ánh mô hình nông dân tự góp tiền thành lập Quỹ BHXH nông dân tại Nghệ An, Hà Nội (huyện Thanh Oai) (sau đó BHXH nông dân Nghệ An đã chuyển sang hình thức BHXH tự nguyện). Điều đó cho thấy nông dân sẵn sàng đóng BHXH. Dự thảo Luật BHXH cần có cơ chế thu hút nông dân, lao động tự do tham gia và thực sự được hưởng lợi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo