Bảo hiểm y tế phải là bùa hộ mệnh của người dân
Những sự kiện quan trọng này sẽ ảnh hưởng thế nào đến những người đang tham gia BHYT, làm thế nào để tình trạng phân biệt đối xử với những người khám, chữa bệnh bằng BHYT và những hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ BHYT như thế nào trong thời gian tới? Những câu hỏi này sẽ phần nào được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải đáp trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 19/5.
BHYT phải là bùa hộ mệnh của người dân
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "BHYT toàn dân là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền để giúp cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nội dung chính của Đề án là tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, phấn đấu năm 2015 phải đạt 70% và đến 2020 đạt trên 80%; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tăng sự hài lòng của người bệnh".
Nói về những thay đổi quan trọng nhất trong chính sách về vấn đề bảo hiểm y tế thể hiện sau khi Đề án được phê duyệt và sau khi sửa đổi bổ sung Luật bảo hiểm Y tế, Bộ trưởng Tiến cho hay: “Thay đổi lớn nhất là làm sao càng nhiều người dân tham gia bảo hiểm thì càng tốt, người dân phải nhận thức được đây là quyền lợi của mình chứ không phải là nghĩa vụ, coi bảo hiểm y tế như là bùa hộ mệnh của mình. Hiện nay, chỉ khi nào ốm người dân mới tự nguyện mua, vì nhiều người chưa biết đấy là quyền lợi. Với mệnh giá như hiện nay thì gói dịch vụ y tế của chúng ta khá ưu việt vì có sự hỗ trợ Nhà nước và cả hệ thống y tế. Đồng thời giảm bớt tiền chi cho người dân, có nghĩa là khi tham gia bảo hiểm y tế thì các dịch vụ y tế cơ bản sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán”..
Về việc phân biệt đối xử khi khám bệnh bằng BHYT, Bộ trưởng Bộ y tế rất chia sẻ với người dân đi khám bệnh bằng BHYT trong thời gian vừa qua: Thứ nhất là do quá tải nên thời gian chờ đợi rất lâu.Thứ hai là thủ tục phiền hà. Thứ 3 là thái bộ của một số cán bộ y tế chưa thật là tận tình để hướng dẫn người dân. Thứ tư giá bảo hiểm y tế trước đây, do giá chi trả theo BHY T quá thấp cho nên người dân phải mua thêm nhiều thuốc, các dụng cụ … do vậy người dân vừa phải bỏ tiền túi mà lại phiền hà. Ví dụ, cắt amidan trước thì bảo hiểm y tế chỉ chi trả 40.000 nhưng thực chất chi phí phải đến 450.000-600.000 đồng. Phần chênh lệch đó bệnh viện lại phải ghi đơn để bệnh nhân đi mua thêm. Cho nên tôi thực sự rất chia sẻ với những bất cập mà người dân gặp phải này. Ngành Y tế đang cố gắng nỗ lực một loạt các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng này nhằm nâng cao hơn chất lượng dịch vụ và khám chữa bệnh để thu hút ngày càng nhiều người tham gia bảo hiểm y tế.
Giải pháp nâng cao chất lượng
Về những bước đi cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm y tế, bà Tiến cho biết, trước mắt chúng tôi tập trung thực hiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng các Chỉ thị và một loạt các chính sách ban hành về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Đó là cải cách các thủ tục khám, chữa bệnh ở khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4 đến 7 tiếng đồng hồ trước đây sẽ rút ngắn xuống trung bình khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ, tùy theo loại khám thông thường hoặc khám có thêm các xét nghiệm chức năng. Giảm bớt số chữ ký mà bảo hiểm xã hội quy định trước đây thay vì phải có 6 chữ ký, thậm chí có nơi 7 chữ ký mới được khám xong thì hiện nay rút xuống còn 4 chữ ký.
Tiếp theo là việc điều chỉnh giá dịch vụ, yêu cầu các bênh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh. Có thêm nhiều bàn chỉ dẫn, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng với nơi khám bệnh để bệnh nhân không mất nhiều thời gian đi lại. Bộ Y tế cũng ban hành chỉ thị về nâng cao quy tắc ứng xử. Khoa khám bệnh là bộ mặt bệnh viện nên sẽ phải từng bước cải thiện để giảm bớt phiền hà khi tham gia bảo hiểm y tế.
Biện pháp để giảm tải tuyến bệnh viện Trung ương
Về mục đích của “Bệnh viện vệ tinh” và “Bác sĩ gia đình”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Đây là một trong những biện pháp giảm tải tuyến bệnh viện Trung ương cơ bản. Ngoài việc tuyến Trung ương và tuyến cuối phải mở rộng hoặc tăng thêm giường hoặc xây dựng lên cơ sở 2, thì đây là giải pháp trước mắt.
Tuy nhiên, về lâu dài thì phải xây dựng mạng lưới Bệnh viện vệ tinh, tức là những bệnh viện tuyến tỉnh phải thực hiện được các kỹ thuật cao bằng cách nhận chuyển giao kỹ thuật và đào tạo của các bệnh viện tuyến Trung ương cuối cùng, tập trung vào 5 chuyên khoa là u bướu, tim mạch, nhi, sản và chấn thương chẩn hình. Những bệnh viện trung ương hoặc bệnh viện tuyến cuối phải chịu trách nhiệm ít nhất là 5 bệnh viện vệ tinh của tuyến tỉnh và sau một thời gian chuyển giao thì bệnh viện vệ tinh có thể thực hiện các kỹ thuật cao. Hiện nay, một số bệnh viện như Bệnh viện Phú Thọ, bệnh viện Kiên Giang, bệnh viện Ninh Bình có thể xử lý được như tuyến Trung ương.
Đối với bác sĩ gia đình thì đây là một đề án đang được Bộ y tế làm thí điểm ở 7 thành phố và tỉnh thành. Mô hình bác sĩ gia đình là các bác sĩ ở trạm y tế và các phòng khám ngoài giờ với đội ngũ bác sĩ được đào tạo kiến thức những chuyên khoa cần thiết để phục vụ ban đầu, ngay tại chỗ.
Đề án này đáp ứng nhu cầu chăm sóc khám chữa bệnh ban đầu vừa thiết thực với người dân, giúp người dân đỡ phải đi xa và giúp giảm tải bệnh viện. Sau khi làm thí điểm “Bác sĩ gia đình”, chúng tôi sẽ nhân rộng ra và những người tham gia khám sức khỏe ở các phòng khám Bác sĩ gia đình cũng sẽ được thanh toán bảo hiểm nếu tham gia bảo hiểm y tế”.
Hỗ trợ 100% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế
Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo là 70%. Tuy nhiên, những người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế rất thấp chỉ chiếm 20% trong tổng số cận nghèo.
Theo quy định mới, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% đối với các hộ cận nghèo thuộc các đối tượng sau: Hộ cận nghèo mới thoát nghèo; hộ cận nghèo sống ở những huyện kinh tế khó khăn thuộc quyết định 30A của Thủ tướng chính phủ và những huyện mà tỷ lệ hộ nghèo. Những diện này được hỗ trợ 100%.
Đồng thời, năm 2012, Bộ Y tế cũng tham mưu để Chính phủ ban hành Quyết định 14 quy định những người nghèo, cận nghèo mà sống ở vùng núi, cùng dân tộc khó khăn mà bị các bệnh hiểm nghèo như là bệnh tim mạch, bệnh chạy thận nhân tạo, bệnh ung thư, bệnh mãn tính, thì Nhà nước hỗ trợ nốt phần đồng chi trả, kể cả thuốc men, tiền đi lại và hỗ trợ các khoản kinh phí kèm theo.
Theo Minh Hải ( Vnmedia )
End of content
Không có tin nào tiếp theo