Báo Hong Kong: Lối cư xử của Trung Quốc đã gán cho chủ nghĩa yêu nước một cái tên xấu
Bài viết trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) của chuyên gia phân tích Philip Bowring cho rằng lối hành xử của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng xung quanh Biển Đông trong thời gian gần đây đã thể hiện mức độ "hung hăng và ngạo mạn, mang tư tưởng chủ nghĩa bá quyền Đại Hán và chủ nghĩa vị chủng, coi dân tộc mình là trên hết".
Bài viết trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) của chuyên gia phân tích Philip Bowring cho rằng lối hành xử của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng xung quanh Biển Đông trong thời gian gần đây đã thể hiện mức độ "hung hăng và ngạo mạn, mang tư tưởng chủ nghĩa bá quyền Đại Hán và chủ nghĩa vị chủng, coi dân tộc mình là trên hết".
Vượt qua chuẩn mực thể hiện lòng tự tôn dân tộc, "lối cư xử của Trung Quốc đã gán cho chủ nghĩa yêu nước một cái tên xấu”. Do đó, ông Bowring kêu gọi các công dân Hồng Kông yêu nước cần hiểu rõ bản chất rằng đây là một mưu đồ nham hiểm.
Cải biên lịch sử
Theo bài báo này, Bắc Kinh không chỉ lộ rõ "nanh vuốt" của kẻ bành trướng trước Việt Nam và Philippines, mà ngay cả Indonesia – quốc gia đứng vai trò trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các nước thành viên Đông Nam Á, cũng đã bị Trung Quốc biến thành nước đối đầu với mình.
Trong những tháng gần đây, Indonesia đã 2 lần cáo buộc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với một phần quần đảo Natuna của quốc gia này. Hành động này đã thể hiện rõ mưu đồ "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc khi chọc giận cả quốc gia láng giềng với dân số chỉ hơn 400 triệu người và Bắc Kinh luôn coi là yếu đuối.
Ngoài ra, toàn bộ tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc gói gọn trong yêu sách “đường 9 đoạn” hay còn gọi là đường lưỡi bò. Theo đó, đường lưỡi bò được Trung Quốc vạch ra trải dài hơn 1.000 hải lý từ bờ biển tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam đến sát đảo Borneo - khu vực chia sẻ giữa Malaysia, Indonesia và Brunei cũng như bao gồm gần như toàn bộ vùng biển giữa Việt Nam và Philippines. Tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc đã chiếm gần 90% diện tích Biển Đông, mặc dù Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) chỉ có khoảng 20% đường bờ biển ở khu vực này.
Theo chuyên gia phân tích Bowring, tất cả những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đều dựa trên yếu tố lịch sử có chọn lọc, phớt lờ sự tồn tại của các dân tộc khác và lịch sử đi biển cũng như giao thương của họ cách đây 2.000 năm, trước cả thời điểm Trung Quốc tiến ra vùng biển phía nam và xa hơn. Người Indonesia đã đến châu Phi và biến Madagascar trở thành thuộc địa từ cách đây 500 năm, trước cả Trịnh Hòa (nhà thám hiểm hàng hải người Trung Quốc). Vào thời điểm này, cư dân các nước Đông Nam Á đã chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ và Hồi giáo nhiều hơn là từ Trung Quốc.
Thỏa hiệp để giải quyết căng thẳng
Về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 180 hải lý, ông Bowring nhận định Trung Quốc đã đưa ra cái cớ cho rằng họ có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa – khu vực nằm sát hơn với địa điểm đặt giàn khoan Hải Dương-981 so với Việt Nam.
Theo tác giả Bowring, lâu nay, quần đảo Hoàng Sa là khu vực tranh chấp giữa hai nước và Trung Quốc đã tổ chức xâm chiếm quần đảo này vào năm 1974. Tuy nhiên, Trung Quốc lại chưa bao giờ thực sự định cư lâu dài tại đây. Do đó, Trung Quốc trở nên yếu thế hơn so với Việt Nam trong việc đòi hỏi những quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Lịch sử cũng ghi nhận khu vực bờ biển này là tâm điểm của quốc gia thương nghiệp Chăm - những người đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực thương mại của khu vực trong suốt 1.000 năm.
Chuyên gia Bowring cho rằng Trung Quốc và Việt Nam có thể tiến tới thỏa hiệp để giải quyết tranh chấp hiện nay. Điển hình, Malaysia và Thái Lan đã cùng thống nhất đi tới một thỏa hiệp quản lý khu vực giàu khí đốt tại Vịnh Thái Lan. Thậm chí, các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Singapore và Malaysia cũng đã đưa vấn đề sở hữu đảo ra Tòa án Công lý quốc tế và chấp nhận phán quyết của tòa án.
Tuy nhiên, Trung Quốc vừa không chịu nhượng bộ, vừa không muốn ra tòa án phân xử. Ngoài ra, việc cùng khai thác là điều không thể bởi Trung Quốc sẽ ép Việt Nam chấp nhận rằng khu vực này thuộc chủ quyền của họ.
Chủ quyền không thể bàn cãi
Đối với các bãi cạn ngoài khơi Philippines, Trung Quốc đã đưa ra những lập luận phi lý khi sáng tạo lịch sử và vin vào cái cớ rằng họ đệ đơn khẳng định chủ quyền tại khu vực này trước tiên. Đây đều là những căn cứ không có sức thuyết phục bởi họ không hiện diện liên tục tại khu vực này.
Ông Bowring nhấn mạnh rõ ràng, các bãi cạn trên và nhiều khu vực khác mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển mà người dân Philippines khai thác lâu nay. Điều này không có gì để bàn cãi.
Trong khi, bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon của Philippines khoảng 200km thì nó cách Trung Quốc tới 650 km. Thậm chí, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Half Moon (Trăng Khuyết) còn trắng trợn hơn rất nhiều. Bãi san hô này nằm cách đảo Palawan 110 km và cách Trung Quốc gần 1.500 km. Đây cũng chính là khu vực Philippines đã bắt các ngư dân Trung Quốc đi bắt trộm những loài rùa khổng lồ nằm trong danh sách bảo tồn.
Chuyên gia phân tích Bowring khẳng định thật vô lý khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng chủ quyền đã được xác lập từ thời Quốc Dân Đảng. Ngoài ra, việc các nhà nước xưa kia thường cống nạp cho Bắc Kinh là không có thật. Hình thức cống nạp này chỉ là một loại thuế vốn là chi phí để giao thương với Trung Quốc, và không hề bao hàm ý về chủ quyền của Trung Quốc.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo