Tin tức - Sự kiện

Bão mạnh cấp 13 đe dọa Bắc bộ

Bão số 2 (tên quốc tế là Rammasun - Thần Sấm) đang tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13, giật cấp 15-16 và di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta.

Ngư dân xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, H.Phòng, chằng buộc tàu thuyền chống bão.

Dự báo ngày 18 và 19-7 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc bộ và các tỉnh Bắc bộ, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 13-14, kèm theo mưa lớn trên diện rộng. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến của bão còn phức tạp.


Hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết
 
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố, bộ ngành và đơn vị liên quan vào chiều 17-7 về chỉ đạo đối phó với cơn bão số 2.
 
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố và các bộ ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng chống bão, nhất là “bốn tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
 
Căn cứ diễn biến của bão và thực tế tại địa phương, quyết định cấm tàu thuyền ra khơi; đối với các tàu thuyền hoạt động ở khu vực vịnh Bắc bộ và vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa phải về bờ neo đậu trong ngày 17-7. Rà soát, chủ động thực hiện sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm như vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, những nơi có khả năng bị ngập sâu và có nguy cơ cao về sạt lở đất, trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, hoàn thành trước 16g ngày 18-7.
 
Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - Đồ họa: V.Cường
 
Nơi nào để dân thiệt mạng thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm
 
Sáng 17-7, tại cuộc họp trực tuyến do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa để triển khai phòng chống bão số 2, ông Đỗ Trung Thoại - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết đã lên phương án di dời 87.960 hộ dân, tùy diễn biến cụ thể sẽ triển khai sơ tán. Ghi nhận tại Hải Phòng cho thấy trong buổi sáng và đầu giờ chiều 17-7 tại khu vực TP và một số quận huyện có mưa lớn kèm theo gió. Một số tuyến phố xuất hiện tình trạng ngập úng do nước không thoát kịp.
 
Ông Dương Anh Điền - chủ tịch UBND TP Hải Phòng - nói TP đã ra thông báo yêu cầu tất cả UBND các quận huyện và sở ngành liên quan hoãn hết các cuộc họp để tập trung lực lượng phòng chống bão. Một số lãnh đạo TP có lịch công tác trong dịp này cũng đã hủy để ở lại chống bão. Nếu địa bàn nào để người dân thiệt mạng trong bão thì lãnh đạo xã, phường và lãnh đạo huyện đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Cũng theo ông Điền, trong hôm nay 18-7 sẽ ra lệnh cấm biển và tiến hành di dân ở các khu vực xung yếu đến nơi an toàn trước khi bão vào.
 
Tối 17-7, Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh cho biết đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân sống dưới lồng bè và các khu vực xung yếu về nơi an toàn. Từ trưa cùng ngày, 100% tàu đánh bắt xa bờ đã tìm nơi trú ẩn, 6.640 tàu đánh bắt ven bờ đã neo đậu an toàn. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh cấm các tàu du lịch hoạt động trên biển từ chiều 17-7. Các cảng tàu du lịch đã dừng hoạt động, 100% tàu du lịch đã vào bờ để trú bão.
 
Các tỉnh Nam Định, Thái Bình cũng đã cấm biển từ chiều 17-7, thông báo toàn bộ tàu thuyền về bờ, bơm tiêu nước trong đồng ruộng, hồ chứa, lên phương án sơ tán dân nơi xung yếu.
Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo