Bão số 2 gây mưa tại Quảng Ninh, Nam Định chủ động hộ đê
Theo ghi nhận, sau cơn giông xuất hiện khoảng 1 tiếng, đến 17h45 chiều 1/8, mưa rào đã trút xuống nhiều nơi ở tỉnh Quảng Ninh. Mưa lớn bất ngờ vào đúng giờ tan tầm nên tại TP.Hạ Long nhiều người đi xe máy người ướt thẫm.
Mưa rào cũng xuất hiện tương tự tại thành phố vùng biên Móng Cái và một số địa phương miền Đông tỉnh Quảng Ninh. Những cơn mưa này là do ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 2 khi đi qua Quảng Đông (Trung Quốc).
"Với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, giật cấp 13-14 vì thế phạm vi ảnh hưởng rộng, mức độ ảnh hưởng lớn. Do vậy, khu vực vùng biên Móng Cái (Quảng Ninh) là nơi đầu tiên của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn.", ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định với phóng viên báo Dân việt.
Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành nhanh chóng thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão số 2 để chủ động các biện pháp phòng, tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi neo đậu trú tránh an toàn, kể cả các tàu vận tải; rà soát, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ hoạt động ở khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão để không đi vào và khẩn trương thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và ảnh hưởng của bão.
Chủ động các phương án ứng phó với mưa lớn, gây ra lũ ống, lũ quét ở khu vực miền Đông, sạt lở đất ở các khu vực miền núi và các khai trường mỏ; lập ngay phương án sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm đã được xác định từ cơn bão số 1 ngày 27/7 để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Để chủ động phòng, tránh, ứng phó với diễn biến bất thường của bão số 2, ngày 1/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão. Báo TTXVN thông tin.
Các địa phương thông báo cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất; có biện pháp phòng tránh phù hợp; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời tình huống xảy ra. Các đồn biên phòng triển khai thông báo, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi không đi vào khu vực ảnh hưởng của bão.
Các huyện và thành phố Nam Định chủ động huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê đối với những công trình đê, kè, cống bị hư hỏng do bão số 1 gây ra theo phương châm bốn tại chỗ. Mặt khác, các đơn vị chức năng chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống, khi có tin bão khẩn cấp ảnh hưởng vào địa bàn tỉnh phải tập kết đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư tại những vị trí xung yếu để hộ đê; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân chủ động phòng, chống, không chủ quan lơ là với diễn biến của bão.
End of content
Không có tin nào tiếp theo