Tin tức - Sự kiện

Báo Úc: "Trung Quốc viện lý do thương mại để giữ thể diện”

Hành động rút giàn khoan “hạ hỏa khủng hoảng trong hiện tại. Trung Quốc đã viện tới lý do thương mại để thu rút giàn khoan, từ đó giữ được thể diện”, giáo sư Carl Thayer nhận xét.

Lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Ảnh: Reuters

Ngày 15/7, Trung Quốc bất ngờ di dời giàn khoan Hải Dương 981 tới gần đảo Hải Nam.

Ngày 16/7, Tân Hoa xã, hãng tin nhà nước của Trung Quốc dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc cho biết hoạt động tác nghiệp khoan thăm dò của giàn khoan Hải Dương 981 đã "hoàn thành nhiệm vụ" theo kế hoạch, đồng thời còn "phát hiện dấu hiệu có dầu khí". 

Truyền thông quốc tế đã đồng loạt đưa tin về sự kiện này với nhiều góc nhìn khác nhau. 

Tờ Bưu điện Washington dẫn lại tin Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông của Việt Nam hôm thứ Tư, trước mùa bão đang tới gần và sau khi được mẫu địa chất. 

Tuy nhiên, Bưu điện Washington trích lời chính quyền nước này hống hách đe dọa sẽ mang giàn khoan trở lại trong tương lai. 

Với giàn khoan hạ đặt ngang nhiên trên vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc cho rằng mình có chủ quyền lịch sử với trên 90% diện tích biển Đông, nhưng lại từ chối đưa vấn đề lên tòa án quốc tế, tờ báo chỉ ra. 

Hành động này của Trung Quốc đã làm phương hại đáng kể mối quan hệ với Mỹ - nước đồng minh và là đối tác của nhiều quốc gia bị xâm hại về chủ quyền lãnh hải. 

Nếu giàn khoan quay trở lại và tiếp tục khoan dầu, đây rất có thể là nguồn cơn gây nên căng thẳng giữa nhiều quốc gia trong những năm tới, Bưu điện Washington nhận định. 

Tờ báo cũng dẫn lại phản ứng của nhiều cư dân mạng Trung Quốc trước thông tin trên, cho rằng nước này đang phải nhún nhường trước sức ép từ Mỹ. 

Có người gọi hành động này là “đáng xấu hổ”.

“Sao không chuyển văn phòng ông Obama đến Trung Quốc luôn đi?”, một tài khoản mỉa mai. “Như thế tiện hơn cho việc thực thi ý muốn của ông ấy”. 

Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Tờ The Hindu của Ấn Độ dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xác nhận giàn khoan Hải Dương 981 đã được Trung Quốc dịch chuyển về hướng Đông Bắc gần đảo Hải Nam.

Ngoài ra, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết giàn khoan đã dịch chuyển 40 hải lý so với vị trí ban đầu, toàn bộ đoàn thuyền hộ tống cũng đã rời khu vực. 

Tại Úc, tờ Sydney Morning Herald đưa tin khẳng định hành động hạ đặt giàn khoan trong khu vực là một bước đi khiêu khích của Trung Quốc, xung đột với chủ quyền nhiều quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam và Philippines. 

Chính quyền Washington đã chỉ trích việc hạ đặt giàn khoan, cho đó là “một phần trong hành vi tuyên bố chủ quyền trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp, với một thái độ phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực”. 

Nhận xét này đã khiến chính quyền Trung Quốc nổi giận, tờ báo trích đăng. 

Tờ Business Standard đánh giá quyết định thu rút giàn khoan khỏi vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là một bước tiến, có khả năng xoa dịu tình trạng đối đầu giữa các nước trên Biển Đông. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không ngừng các hoạt động khai thác trên vùng nước họ cho là thuộc chủ quyền quốc gia, không màng tới những chỉ trích của khu vực hay quốc tế, cáo buộc đây là những hành động gây hấn, tờ báo cho hay. 

Tờ Thời báo Nhật Bản dẫn lời cựu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh – ông Nguyễn Trọng Vĩnh cảnh báo: “Việc di dời giàn khoan khỏi vùng biển và đặc quyền kinh tế của chúng ta (Việt Nam) chỉ là tạm thời. Họ (Trung Quốc) có thể rút giàn khoan chỉ vì mùa bão. Điều này không có nghĩa là họ từ bỏ tham vọng kiểm soát phần lớn Biển Đông”. 

Hành động khiêu khích của Trung Quốc đã khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam.

Trang tin Foxnews khẳng định chưa bao giờ Trung Quốc lộ chủ đích rõ ràng khi hạ đặt giàn khoan, vì thương mại hay vì tham vọng chủ quyền trong khu vực. 

Đây được coi là một hành động khiêu khích từ phía Trung Quốc, muốn thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông, đẩy họ tới xung đột với Việt Nam, Philippines và các quốc gia khác, Foxnews cho biết.

Tờ News của Úc trích lời nhận xét của giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales, cho rằng hành động rút giàn khoan “hạ hỏa khủng hoảng trong hiện tại. Trung Quốc đã viện tới lý do thương mại để thu rút giàn khoan, từ đó giữ được thể diện”. 

Theo ông, Bắc Kinh cũng muốn xoa dịu áp lực chính trị trước cuộc họp hàng năm của diễn đàn khu vực Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo