Quốc tế

Bắt bác sỹ dụ dỗ thanh niên gia nhập khủng bố IS

(DNVN) - Ngày 3/3, nhà chức trách Đức thông báo đã bắt giữ một bác sỹ ở thủ đô Berlin tình nghi lôi kéo một thanh niên trẻ gia nhập nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq.

Theo tin từ Vietnam+, các nhà điều tra đã tịch thu một ống ngắm súng trường, điện thoại di động, các thiết bị điện tử và nhiều tài liệu tại căn hộ của vị bác sỹ này ở Berlin.

Theo thông báo của cảnh sát Đức, nam thanh niên bị lôi kéo mới 24 tuổi và có "vấn đề về thần kinh". Anh ta đã tới khu vực lãnh thổ do IS kiểm soát ở Iraq vào năm 2014 và tiến hành vụ đánh bom liều chết hồi tháng 5 năm ngoái ở thành phố Baiji, làm 12 binh sỹ Iraq thiệt mạng.

Người phát ngôn Văn phòng công tố ở thành phố Karlsruhe của Đức cho biết cha mẹ của kẻ đánh bom liều chết trên đều là người nhập cư vào Đức. Trong khi đó, vị bác sỹ kia có bố là người Arab và mẹ là người Đức.

Cảnh sát Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Liên quan đến IS, theo tin từ báo VnExpress, lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân đội Mỹ trong đợt đột kích đầu tiên nhằm vào Nhà nước Hồi giáo đã bắt được một gián điệp quan trọng của nhóm phiến quân ở Iraq.

Tờ New York Times ngày 1/3 đưa tin tên gián điệp, chưa rõ danh tính, đang bị các quan chức quốc phòng Mỹ thẩm vấn tại một cơ sở tạm thời ở thành phố Erbil, khu vực tự trị người Kurd, miền bắc Iraq. Quá trình thẩm vấn có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Họ từ chối cung cấp thêm thông tin và dự định bàn giao tên này cho chính quyền người Kurd hoặc Iraq.

Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc, từ chối bình luận chi tiết về các nhiệm vụ của đặc nhiệm Mỹ nhưng cho biết mọi đợt bắt giữ "chỉ trong ngắn hạn và có phối hợp với nhà chức trách Iraq".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói ông cũng không bình luận vì "lý do hoạt động an ninh". Theo đúng quy trình, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo cho Ủy ban Quốc tế Hội Chữ thập Đỏ, chuyên theo dõi cách đối xử với tù nhân, rằng họ đang tạm giữ một phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

 

Các quan chức quốc phòng Mỹ mô tả việc bắt được tên gián điệp trên là diễn biến quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng cũng tạo ra câu hỏi về cách giải quyết số lượng người bị tạm giữ ngày càng tăng.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo