Thị trường

Bắt đầu có doanh nghiệp lớn phá sản

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại khi bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn đến nay phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Sáng nay 20-10, trình bày báo cáo thẩm tra kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lần đầu tiên nêu thực trạng trong nước bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn đến nay phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá việc phá sản của các doanh nghiệp trung bình và lớn sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế”.

Trước đó, trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập đến tình trạng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Để tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc trực tiếp với các Bộ ngành, địa phương và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhất là về thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, thực hiện đầu tư, tiếp cận điện năng...

Trong 9 tháng đầu năm 2014 có 53,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký tăng 13,9%, vốn bình quân 1 doanh nghiệp là 6 tỉ đồng, tăng 24,6%, tạo việc làm cho hơn 795 nghìn lao động. Cả nước đã có gần 11,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Về tình trạng ngừng hoạt động, phá sản doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết 9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873. Có 213 nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013. Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như khí thiên nhiên, bia, xi măng có sản lượng sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như than, khí hóa lỏng, thuốc lá, xe máy. 

Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay 20-10.

Về công tác điều hành kinh tế xã hội năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng tổng cầu và hỗ trợ phát triển thị trường. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tập trung vào các công trình quan trọng, cấp bách. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng nhanh công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập, giải thể và phá sản doanh nghiệp, thực hiện đầu tư, tiếp cận điện năng... Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi để hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo ngành, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, khuyến công khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo