Bất động sản

Bất động sản mặt bằng bán lẻ lao đao trước dịch Covid-19

Hàng loạt mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội và Tp. HCM giảm giá cho thuê, treo biển cho thuê, thậm chí phải đóng cửa vì các cửa hàng đều không có khách, doanh thu sụt giảm do tác động của dịch virus Covid-19.

Tích cực gom đất, doanh nghiệp địa ốc tính đường dài / Doanh nghiệp địa ốc đẩy mạnh "săn" đất đầu năm

Dịch Covid ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Đối với lĩnh vực bất động sản, bất động sản du lịch và mặt bằng bán lẻ đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất. Minh chứng là có tới 50-95% huỷ tour du lịch và sụt giảm 50-80% doanh thu của mặt bằng bán lẻ.

Kinh doanh ế ẩm

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài các cửa hàng trưng biển giảm giá để thu hút khách hàng thì hàng loạt mặt bằng kinh doanh thuộc các tuyến phố đắt đỏ bậc nhất trung tâm quận 1, Tp.HCM đang bị bỏ trống.

Điển hình là đường Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng là những tuyến phố sầm suất bậc nhất tại khu vực trung tâm quận 1, trước đây không phải ai cũng có thể thuê được. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay nhiều cửa hàng phải đóng cửa, trả lại mặt bằng do không thể trả được chi phi thuê mặt bằng quá cao, hàng hoá thì ế ẩm mà lương nhân viên vẫn phải trả.

Chị Huỳnh Thu Hương, chủ cửa hàng tại đường Lý Tự Trọng cho biết, cửa hàng của chị có mặt bằng diện tích 80m2, một trệt, một lầu đang cho thuê lại với giá 4.000 USD/tháng, nhưng nay người thuê làm ăn kinh doanh thua lỗ kể từ Tết đến giời nên họ trả lại. Vì không muốn để trống, chị đã trưng biển cho thuê. Tuy nhiên, cả một tuần nay cũng không có khách hỏi.

“Ngoài đường Lý Tự Trọng, các con phố sầm uất khác cũng trong tình cảnh tương tự, hàng chục, hàng trăm mặt bằng đang bỏ trống tìm người cho thuê lại”, chị Hương nói.

Không chỉ mặt bằng nhà ở trong phố, một số trung tâm thương mại cũng cảnh vắng như “chùa bà đanh”, khi người dân không đến mua sắm, vui chơi cuối tuần. Nhiều gian hàng dường như không còn đủ sức chống đỡ vì giá thuê mặt bằng khá cao.

Trước tình trạng này, CTCP Vincom Retail công bố sẽ dành 300 tỉ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại và phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom trên toàn quốc.Bên cạnh đó, Vincom sẽ phối hợp với các khách thuê tổ chức các chương trình kích cầu mua sắm lớn.

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư. Chương trình được áp dụng từ tháng 2-4/2020 tại các trung tâm thương mại Moonlight Plaza (Thủ Đức), Saigon Mia (Bình Chánh), Vung Tau Melody (Vũng Tàu).

Đại diện CTCP phần Hưng Thịnh Retail, cho biết sẽ xem xét từng trường hợp để quyết định mức giảm tốt nhất trong khoảng từ 20-40%, thậm chí có thể giảm nhiều hơn. Hưng Thịnh chấp nhận bị giảm doanh thu từ việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng, nhằm giúp các đối tác trong mùa dịch này.

Các trung tâm thương mại thưa thớt khách (Ảnh: Internet)

Các trung tâm thương mại thưa thớt khách (Ảnh: Internet)

“Thấm đòn” ngay

Báo cáo của Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho thấy, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở trung tâm các thành phố lớn giao động từ 97-100 USD/m2/tháng, còn khu vực ngoài trung tâm thấp nhất 24,8 USD/m2/tháng. Như vậy, với 50m2 sàn khách thuê mặt bằng phải trả từ 1.200 – 5.000 USD/tháng. Đây là số tiền quá lớn so với kết quả kinh doanh hiện nay.

Theo một số chuyên gia bất động sản cho biết giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại vị trí trung tâm đang quá cao. Nhiều người cố gắng thuê mặt bằng đẹp với kì vọng kinh doanh tốt nhưng thực tế thị trường khó khăn, dịch bệnh khiến lượng khách sụt giảm kinh doanh không như kỳ vọng. Một số khác dù đang kinh doanh tốt nhưng giá mặt bằng không ngừng tăng cũng buộc họ phải thay đổi chiến lược tìm các thị trường có chi phí mặt bằng thấp hơn.

Chia sẻ về gói hỗ trợ cho khách hàng thuê mặt bằng, lãnh đạoCTCP Vincom Retail, cho biết gói hỗ trợ 300 tỉ đồng này sẽ không chỉ giúp các đối tác giảm bớt gánh nặng về chi phí mà còn có thể tập trung nguồn lực, cùng Vincom xây dựng những chương trình ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng.

 

Cũng như các trung tâm thương mại, người mặt bằng kinh doanh tại các tuyến phố chính đang gặp rất nhiều khó khăn. Chị Hương chia sẻ, trước đây một tháng doanh thu của chị cũng được hơn 1 tỷ đồng, thì nay con số này giảm tới 70%. Khách hàng của chị chủ yếu là người châu Âu, nhưng trong thời điểm này rất ít du khách tới tham quan, mua sắm.

Theo chị Hương, với mức giá thuê hàng trăm triệu đồng như vậy thì rất khó có khách hàng trụ lại được để tiếp tục kinh doanh và nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa

Trước đó, theo Savills Việt Nam, thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ thị trường Trung Quốc bao gồm cả nguyên liệu phục vụ sản xuất, gia công chế biến đến khách du lịch.

Do đó, xét những ảnh hưởng của Covid 19 đối với thị trường bất động sản thì mặt bằng bán lẻ và bất động sản nghỉ dưỡng là hai phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất. Mảng văn phòng, bất động sản công nghiệp và thị trường nhà ở cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của cơn đại dịch này, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không lớn bằng.

“Đây là giai đoạn khó khăn của thị trường, trong trường hợp nếu ngăn chặn được dịch Covid-19, thì nửa cuối năm 2020 thị trường bất động sản mới khởi sắc”, vị lãnh đạo của Savills nhận định.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm