Bất động sản

Bộ Xây dựng tìm cách 'gỡ khó' cho thị trường bất động sản

Để phục hồi thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ dưới 20 triệu đồng/m2. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ các chính sách nhằm khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trong đó giảm 50% tiền sử dụng đất.

Khơi thông pháp lý - “điểm nghẽn” lớn của thị trường bất động sản / ‘Bắt mạch’ bất động sản: Cần nhất điều gì?

Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu Covid-19”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp những khó khăn, thách thức nhất định trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Hàng tồn kho vẫn nhiều

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, về tổng thể hầu hết các chủ đầu tư lớn vẫn tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Bởi trong quý I/2020 cả nước có 56 dự án với 20.536 căn hộ được cấp phép; 997 dự án với 233.313 căn hộ đang triển khai xây dựng; 55 dự án với 18.061 căn đã hoàn thành xây dựng.

Nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở trung, cao cấp vẫn tăng do số lượng các dự án đã hoàn thành xây dựng tăng.Theo thống kê, cả nước có 71 dự án với 25.734 căn hộ căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Mặc dù có giảm hơn so với năm 2018, nhưng nguồn cầu bất động sản vẫn cao, đặc biệt là cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Chỉ tính riêng nhà ở thương mại, lượng tiêu thụ sản phẩm chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý IV/2019 và chỉ bằng 14% của năm 2019.

Tỷ lệ văn phòng trống trong quý I/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019, các khu du lịch, nghỉ dưỡng đều tạm dừng hoạt động.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019, đây là tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong tất cả các ngành nghề.

Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, trong Quý I/2020 chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4.

Liên quan đến tồn kho bất động sản, Thứ trưởng Sinh cho rằng, tính đến ngày 31/12/2019, theo số liệu của 178 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh bất động sản niêm yết trên chứng khoán thì tổng giá trị hàng tồn kho là 209.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tồn kho sản phẩm BĐS chiếm khoảng 50%, tương đương khoảng 104.550 tỷ đồng.

“Hàng tồn kho chủ yếu là căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư…được xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ”, Thứ trưởng Sinh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, cho rằng dịch Covid-19 làm đảo lộn các hoạt động của doanh nghiệp BĐS. Dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mọi hoạt động bán hàng và mua hàng bị ngừng trệ, làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay, tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động.

“Thị trường BĐS bị tác động kép do phải đương đầu với khó khăn nên các Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS cần nỗ lực để cầm cự vượt qua giai đoạn này”, ông Hà nhấn mạnh.

Giảm 50% tiền sử dụng đất, chậm nộp tiền sử dụng đất... là một số giải pháp Bộ Xây dựng đề xuất để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp

Giảm 50% tiền sử dụng đất, chậm nộp tiền sử dụng đất... là một số giải pháp Bộ Xây dựng đề xuất để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp

Thúc đẩy phát triển nhà giá thấp

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đã ban hành một số Nghị quyết, đề ra một số giải pháp như giảm 15% tiền thuê đất, giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp …

Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có những tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, trong đó đưa ra 2 nhóm giải pháp.

Theo đó, nhóm giải pháp cấp bách là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Trước mắt, đề xuất Chính phủ cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội và bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 Ngân hàng thương mại.

 

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Đồng thời, khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ, Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp như về quy hoạch phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp dự kiến tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án.

Giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án. Được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp được huy động vốn từ các nguồn hợp pháp và được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

 

Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật như sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng...về các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, xác định chế độ sử dụng đất, về chuyển nhượng, chuyển đổi dự án đầu tư.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm