Có hay không lợi ích nhóm chi phối 'thổi' giá bất động sản?
Đề xuất xây dựng dữ liệu quốc gia về giá đất để chặn "bong bóng" / Kiến nghị dự án dưới 2 ha phải dành quỹ đất làm nhà ở xã hội
Nhà quản lý cho rằng không có chuyện nhóm lợi ích chi phối đẩy giá bất động sản (Ảnh: Int). |
Đất tăng đột biến
Đánh giá về cơn sốt đất đang diễn ra hiện nay, ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho hay, cơn sốt đất thường có chu kì, cứ khoảng 10 năm lại có một cơn sốt đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đầu tư.
"Cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện quy hoạch và vấn đề tài chính. Bởi lãi suất thấp, người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lời hơn", ông Bình nói.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn Phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận, theo biểu đồ về cơn sốt đất sẽ ngày càng dữ dội và công khai, công khai tới độ hỗn loạn. Việc giá đất tăng do yếu tố quy hoạch, khi quy hoạch chưa công khai, mới chỉ rò rỉ thông tin thì bắt đầu có sự hỗn loạn.
“Khi Hà Nội bắt đầu công bố 6 quy hoạch phân khu và quy hoạch sông Hồng thì phải lập quy hoạch phân khu ngay. Nhưng nếu chúng ta để đó 10 năm, điều này thực sự nguy hiểm. Sự điều chỉnh quy hoạch là một lỗ hổng trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư “thò tay” can thiệp và quy hoạch của Nhà nước”, ông Tùng nói.
Ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng, trên thực tế, việc Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức được công bố chuẩn bị lên quận nên nhiều người đầu tư, đây chính là nguyên nhân đẩy giá đất. Trên thực tế, giá đất được đẩy lên cao nhất trong thời gian qua là đất ở nông thôn, đất vườn - ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi tăng lên 100%, đột biến tăng 200%.
“Hà Nội tập trung xử lý thông tin minh bạch, nhiều thông tin chỉ ở mức độ rò rỉ thì ngay lập tức, giá đất đã được đẩy lên rất cao. Theo tôi, nên công khai cả việc tiến độ thực hiện quy hoạch, thời gian quy hoạch và dự án quy hoạch. Khi thị trường được minh bạch thì sẽ không tạo ra những cơn sốt đất như hiện nay”, đại diện Sở Xây dựng bộc bạch.
Bổ sung Luật hình sự thổi giá đất
Đánh giá về hệ lụy mà cơn sốt đất mang đến, ông Lê Văn Bình, nhìn nhận, cứ qua mỗi lần sốt đất sẽ để lại những hệ lụy rất lớn cho việc điều hành KTXH. Kể cả khi giá đất giảm thì cũng neo lại ở một mặt bằng giá mới. Do đó khi thu hồi mặt bằng quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội, Nhà nước phải bỏ ra lượng ngân sách lớn hơn vì người dân đòi hỏi phí bồi thường cao hơn, đồng thời các nhà đầu tư cũng phải bỏ ra lượng tiền lớn hơn để đầu tư vì giá cho thuê đất tăng.
Về mặt chính sách, sau mỗi đợt sốt đất, cơ quan quản lý phải vào cuộc để tìm ra giải pháp, yêu cầu các địa phương có biện pháp để ổn định tình hình. Trong đó quy định những loại đất nào được đưa ra giao dịch, nếu có sự thay đổi mục đích sử dụng đất phải nộp chi phí cho ngân sách bởi người dân nhiều khi theo tâm lý đám đông, chưa có sự am hiểu về luật pháp.
“Tôi không phủ nhận việc giá đất không cần tăng, tuy nhiên phải tăng trong khuôn khổ phù hợp với sự phát triển KTXH” ông Bình chia sẻ.
Trước việc dư luận đặt vấn đề, liệu có lợi ích nhóm trong việc đầu cơ, thổi giá BĐS hay không? ông Lê Văn Bình nói rằng, giả thiết của người dân đặt ra là quyền của họ còn đảm bảo thông tin là trách nhiệm của nhà quản lý đất đai. Bởi Nhà nước luôn cố gắng đưa ra những dự kiến quy hoạch tốt nhất cho người dân nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp phải nhiều vấn đề. Đồng thời, việc quy hoạch phải trải qua nhiều quá trình, nhiều ban ngành với trình tự thủ tục chặt chẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân.
“Tôi cho rằng, không thể có chuyện một doanh nghiệp, cá nhân có khả năng chi phối BĐS được”, ông Bình nhấn mạnh.
KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận, quy hoạch rất nhiều bước, rất phức tạp, lợi ích nhóm thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Doanh nghiệp khi được bật đèn xanh sẽ lập tức nhảy vào vì lợi nhuận vô cùng lớn.
"Để ngăn chặn sốt đất trước hết cần công khai quy hoạch, phải họp báo nghiêm túc để công khai, định hướng thông tin..." KTS Tùng nói.
Bàn về giải pháp ngăn chặn tình trạng sốt đất, luật sư Trần Thanh Quyết cho rằng, cần xem xét bổ sung vào Bộ luật hình sự hiện hành quy định về hình sự tội “thổi giá đất”. Theo Luật sư Quyết, quy định về tội đầu cơ (Điều 196) hiện nay không còn phù hợp để điều chỉnh những vấn đề phát sinh trên thực tế như tình trạng sốt đất hiện nay. Do đó, cần bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề môi giới BĐS để phù hợp trong bối cảnh thực tế hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo