‘Cuộc chơi’ bất động sản vùng ven sôi động
Những nỗi đau của dân môi giới và một bí quyết giúp bám trụ với nghề / Kiến tạo khu đô thị thông minh và đáng sống cần phải làm gì?
Nhiều dự án đất nền ven đô đang hồi sinh sau khi nhiều chủ đầu tư đi tìm quỹ đất (Ảnh: TL).
Hàng chục năm trước, bất động sản (BĐS) vùng ven ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM bắt đầu nổi lên, nhưng “cuộc chơi” này mới lẻ tẻ một vài nhà phát triển BĐS tham gia. Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, bắt đầu rõ nét hơn với sự đầu tư ở tất cả các lĩnh vực của BĐS khiến thị trường sôi động, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt.Đây dường như là bước đệm để những thị trường có quỹ đất lớn nhưng chưa có cơ hội phát triển, được gia nhập cuộc chơi mới, bổ sung thêm nguồn lực cho thị trường 2021.
Hồi sinh các dự án
Sự “hồi sinh” của thị trường vùng ven tại Hà Nội bắt đầu phải kể đến khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội sau một thời gian dài nhiều dự án “bỏ hoang” bắt đầu đang khởi động lại.
Dự án Geleximco đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông-Hà Nội) sau một thời gian “cửa đóng then cài”, nay các shophouse mặt tiền và các dãy nhà liền kề cuộc sống đang dần tấp nập.
Tại phía đường quốc lộ 32 thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Hà Nội, dự án Lideco tỷ lệ lấp đầy đang cao dần, còn dự án Kim Chung – Di Trạch đang có những dấu hiệu cho thấy cuộc sống tại đây bắt đầu được “ươm mầm”.
Còn tại TP. HCM, khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), quận Thủ Đức giá đất tăng lên từng ngày, cơn sóng này tưởng chừng không có điểm dừng khi đất tăng hàng trăm triệu mỗi m2, chung cư rẻ nhất cũng 40 triệu đồng/m2. Đặc biệt, ngay sau khi có chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức thì nhiều dự án ở đây cũng hồi sinh.
Sự phát triển của thị trường BĐS đã lan ra cả các tỉnh thành ven đô, ở phía Bắc có Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… tại phía Nam có Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa –Vũng Tàu… Đáng chú ý, ở thị trường này không chỉ lĩnh vực BĐS công nghiệp “lên ngôi” mà lĩnh vực nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu đó.
Đơn cử, so với năm 2019, quý III/2020 giá căn hộ tại Bình Dương bình quân từ 25-30 triệu đồng/m2 đã bị đẩy lên mức từ 30-35 triệu đồng/m2. Tại Đồng Nai từ 12-14 triệu đồng/m2 thì ngay đầu năm 2020 bị đẩy mạnh lên bình quân 22 triệu đồng/m2.
Còn tại Bắc Ninh, Bắc Giang, thị trường giao dịch mạnh ở phân khúc đất nền nhất là khu vực trung tâm thành phố và ven các khu công nghiệp; lượng giao dịch, giá đất nền tăng mạnh so với quý I và II/2020.
Đất nền ưu thế
Đánh giá về BĐS vùng ven, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, năm 2021 sẽ là thời điểm đất, dự án vùng ven phát triển mạnh và chủ đạo. Tại các địa phương, các dự án được phê duyệt sẽ nhiều hơn, các lãnh đạo mới ở các địa phương sẽ phải thúc đẩy phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ. Việc sở hữu các yếu tố như dư địa giá thấp, tiềm năng tăng giá cao, cùng với tốc độ đô thị hóa… thị trường địa phương mới nổi sẽ tiếp tục là một “miếng bánh ngon” của các dòng vốn đầu tư trong năm 2021.
Tuy nhiên, các dự án chung cư đô thị sẽ có độ trễ dài hơn, trong khi đất nền sẽ ra "hàng" nhanh hơn, như vậy nó sẽ là nguồn hàng chủ đạo của năm 2021.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội phân tích, điểm sáng điển hình cho vùng ven là thị trường văn phòng cho thuê. Nguồn cung văn phòng Hà Nội cũng như TP. HCM đang ngày càng đi xa khỏi trung tâm.
Song bà An cũng cho rằng, với BĐS vùng ven sẽ có nhiều kỳ vọng khác nhau, liên quan đến hạ tầng, dự án quy mô lớn nằm tại khu vực lân cận. Ví như khi nói đến dự án nghỉ dưỡng, khu công nghiệp quy mô lớn đó là tiền đề để kỳ vọng BĐS khu vực lân cận tăng trưởng.
Cùng góc nhìn trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính nhìn nhận, đất nền và BĐS công nghiệp là hai phân khúc vẫn có nhiều điểm sáng trên thị trường trong bối cảnh dịch bệnh. Đối với BĐS công nghiệp, đây là phân khúc thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng mở ra một cơ hội cho Việt Nam, thúc đẩy thị trường phát triển sôi động.
“Đất nền vùng ven gần như “miễn nhiễm” với tác động của dịch bệnh, khi một số khu vực tại Hà Nội và TP. HCM vẫn có giao dịch khá sôi động, giá tăng nhẹ. Trong trung và dài hạn, vẫn có thể lạc quan, khi sự sàng lọc trên thị trường càng mạnh mẽ thì càng đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho nhà đầu tư và thị trường”, ông Thịnh nói.
Nói như chuyên gia bất động sản, GS. Đặng Hùng Võ, địa phương có quỹ đất sẽ phát triển được phân khúc nhà ở, tạo lập các khu đô thị mới. Ông hy vọng các khu đô thị mới ở những địa phương có mức đô thị hoá chưa cao có thể thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp. Từ đây, có thể mong đợi giá đất tăng cao theo quá trình đô thị hoá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo