Doanh nghiệp bất động sản giữa Covid - 19: 'Người cười nụ, kẻ khóc thầm'
Vượt qua dịch Covid-19, bất động sản văn phòng phải 'lựa cơm, gắp mắm' / Giữ nguyên mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm
Thị trường BĐS ngay từ đầu năm 2020 đã gặp khó vì đại dịch Covid - 19, bên cạnh đó là các doanh nghiệp còn gặp khó về thủ tục pháp lý khiến nhiều dự án bị chậm lại, hàng tồn kho tăng, trong khi vẫn phải chi trả các chi phí khác như lãi vay ngân hàng, chi phí nhân viên…
Hàng loạt doanh nghiệp nhà ở lỗ…
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán, quý II/2020 đi qua với nhiều thăng trầm, kém khả quan. Đó là những cái tên quen thuộc như Địa ốc Đất Xanh (HOSE:DXG), Thủ Đức House (HOSE:TDH), Địa ốc Hoàng Quân (HOSE:HQC).
Đáng chú ý nhất là trường hợp của DXG, sau soát xét, doanh nghiệp này đã bất ngờ ghi nhận lỗ ròng hơn 488 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi con số này ở BCTC tự lập có lãi hơn 38 tỷ đồng, LNST hợp nhất chuyển từ khoản lãi trăm tỷ sang thua lỗ gần 374 tỷ đồng. Nguyên nhân theo DXG là do trong quá trình kiểm toán, công ty kiểm toán xác định khoản chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư LDG (LDG) là sự kiện phát sinh sau niên độ và yêu cầu DXG phải trích lập dự phòng trên 526 tỷ đồng.
Còn HQC cũng có một quý kinh doanh giảm sút nghiêm trọng. Theo giải trình của HQC, lợi nhuận lợi nhuận quý II/2020 là gần 4 tỷ đồng (giảm 61% so với quý II/2019). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, công ty cũng có những biện pháp ứng phó trong các quý tiếp theo nhằm đạt được lợi nhuận đã được Đại hội cổ đông thông qua.
Đặc biệt, Công ty BĐS và Đầu tư VRC (HOSE:VRC) là một trong những doanh nghiệp có mức lợi nhuận sau thuế giảm mạnh nhất. Lợi nhuận từ mức 19,8 tỷ đồng của cùng kỳ xuống còn vỏn vẹn 67,5 triệu đồng ở quý II/2020 (giảm 99,7%). Lũy kế 6 tháng, công ty cũng chỉ lãi vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng, giảm 95% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Thậm chí có đơn vị như LDG lợi nhuận giảm đến 98,8%. Theo báo cáo giải trình, lợi nhuận sau thế của LDG (BCTC hợp nhất) 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 2,3 tỷ đồng, trong khi đó 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 198 tỷ đồng (giảm 98,8%). Theo LDG lý giải, nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Tương tự, tại Quốc Cường Gia Lai, doanh thu những tháng đầu năm giảm mạnh nhưng nhờ lãi chuyển nhượng vốn góp giúp công ty ghi nhận lãi tăng đột biến, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2019, lên đến 30 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai âm 156 tỷ đồng.
Trước sức ép phải trả các chi phí như lãi vay ngân hàng, chi phí nhân viên…nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải thoái vốn, bán công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên.
Đơn cử như tại QGC, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn tại CTCP BĐS Hiệp Phúc; chuyển nhượng 35% cổ phần sở hữu tại BĐS Sông Mã, thu về 122 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống 14,9% vốn.
Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa thông qua quyết định bán toàn bộ gần 63 triệu cổ phiếu, tương ứng 26,27% vốn tại LDG. Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng (công ty con của DXG) cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 25 triệu cổ phiếu LDG, tương đương 10,45% vốn điều lệ của Đầu tư LDG.
Điểm sáng BĐS công nghiệp
Trái ngược với sự bết bát của các doanh nghiệp nhà ở, điểm sáng của thị trường của BĐS thời gian qua là phân khúc BĐS công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhóm này vẫn có mức tăng trưởng tốt.
Có thể kể đến như CTCP Sonazedi Châu Ðức (SZC), quý II/2020 doanh thu đạt 153 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 71,5 tỷ đồng, gấp 2,34 lần. Lũy kế 6 tháng, SZC lãi 125 tỷ đồng, vượt 8,5% kế hoạch cả năm.
Trong đó điểm sáng lại thuộc về doanh nghiệp BĐS công nghiệp.
Tổng Công ty Viglacera – CTCP (HOSE:VGC) công bố BCTC hợp nhất quý II/2020, VGC lãi sau thuế 172,7 tỷ đồng, giảm 24,2% so với lợi nhuận đạt được quý 2 năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 155 tỷ đồng. Tuy doanh thu giảm, nhưng chi phí bán hàng lại tăng 56 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 202 tỷ đồng còn chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 8 tỷ đồng, lên 159 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VGC có kế hoạch rất bài bản. Với lĩnh vực BĐS, VGC sẽ tập trung phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp cho thuê nhằm đi trước đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, sẵn sàng quỹ đất sạch để đón các nhà đầu tư.
Theo đó, VGC sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các dự án KCN đang triển khai như Hải Yên và Đông Mai (Quảng Ninh), Phú Hà (Phú Thọ), Yên Phong II-C và Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh)… Và sẽ tham gia đấu thầu làm chủ đầu tư và triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các KCN mới như: Thuận Thành - Bắc Ninh (250ha), Huế (1.000 ha), Đồng Văn 4 mở rộng - Hà Nam (300 ha)…
Ngoài ra, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Upcom:SIP) gây nhiều bất ngờ nhất khi quý II lãi sau thuế 371 tỷ đồng, gần gấp 8 lần lợi nhuận đạt được trong quý I. Những doanh nghiệp có lợi nhuận quý II tăng so với quý I còn phải kể đến Tổng công ty IDICO (HNX:IDC), CTCP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) và CTCP phát triển KCN Tín Nghĩa (HOSE:TIP).
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam cho biết, dù đà giảm tốc của thị trường BĐS diễn ra ngày càng rõ rệt ở nguồn cung và sức mua. Tuy nhiên, ông Duy nhận định thời điểm khó khăn này là cơ hội cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS.
“Đây có thể coi là thời điểm vàng dành cho các thương vụ mua bán và sát nhập các dự án BĐS tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”, ông Duy nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà ở có kết quả kinh doanh kém khả quan.