Bất động sản

Lâm Đồng kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, không để "quy hoạch treo"

DNVN - UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan phải rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến tình trạng “quy hoạch treo” và “dự án treo” trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lâm Đồng: Đình chỉ dự án Khu du lịch Tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen / Lâm Đồng: Thu hồi toàn bộ đất cho thuê dự án King Palace

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 5309/UBND-QH gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND các huyện, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc về việc thực hiện khắc phục tính trạng “quy hoạch treo” và “dự án treo”.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương hoàn thành nội dung đồ án quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”. Tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý bảo đảm yêu cầu, quy định.

hàng chục đồ án quy hoạch kéo dài nhiều năm chưa được triển khai

Hàng chục đồ án quy hoạch tại Lâm Đồng đã kéo dài nhiều năm chưa được triển khai.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cần phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện đúng quy định. Cơ quan này phải tổ chức thẩm định hoặc báo cáo Hội đồng thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch theo quy định khi các địa phương trình.

UBND các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng, TP Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương hoàn thành quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch (thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện) đảm bảo tiến độ, chất lượng và khả thi cao; tổ chức thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng và trật tự đô thị sau khi quy hoạch được phê duyệt.

 

Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra nhiều tồn tại về công tác quy hoạch tại tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, kế hoạch sử dụng đất tại thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt và huyện Đức Trọng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhận thấy một số kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa đúng với quy hoạch sử dụng đất.

Thế nhưng, trong hồ sơ ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng lại cho phép “cập nhật các công trình dự án tại các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017, 2018, 2019” vào điều chỉnh quy hoạch là chưa chặt chẽ.

Cũng theo báo cáo giám sát, việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc bố trí quỹ đất phát triển đô thị, khu dân cư chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, chưa đa dạng, diện tích lô đất chưa phù hợp với điều kiện của người dân, nhất là vùng nông thôn. Ngoài ra, một số dự án bố trí chồng lấn quy hoạch, xác định sai trái, phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất công cộng một số nơi chưa hợp lý.

Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng còn chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác lập quy hoạch phân khu tại các địa phương.

Theo đó, trong tổng số 22 quy hoạch phân khu tại TP Đà Lạt có 15 trường hợp kéo dài từ 3-5 năm. Trong đó, kéo dài gần 3 năm gồm các khu A7, A9, C1, C5; gần 4 năm gồm A1, A2, A11; gần 5 năm gồm A4, A6, C2, C3, C6, D3, D4, D5.

 

Đồng thời, trong 22 đồ án quy hoạch (được thẩm định và phê duyệt), mới chỉ có 2 trường hợp (khu B7 và A11) được duyệt tổ chức cắm mốc.

Tại TP Bảo Lộc, điều chỉnh quy hoạch đô thị từ năm 2011- 2020 có 44 hồ sơ quy hoạch điều chỉnh cục bộ đã phê duyệt. Trong đó, 33 trường hợp chưa có ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch cấp trên, 34 trường hợp chưa có ý kiến cộng đồng dân cư (với nội dung điều chỉnh chủ yếu là điều chỉnh các khu chức năng, diện tích và chỉ tiêu sử dụng đất, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch).

Quy hoạch đô thị từ năm 2021- 2030 có 34 hồ sơ quy hoạch đã phê duyệt, trong đó 12/34 hồ sơ chưa lấy ý kiến, 3 hồ sơ thẩm định và phê duyệt cùng 1 ngày và 6 hồ sơ phê duyệt quy hoạch không có văn bản thẩm định.

Việc hàng chục đồ án quy hoạch kéo dài nhiều năm chưa được triển khai đã gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai tại tỉnh Lâm Đồng.

Thanh Ngọc
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm