Bất động sản

Lâm Đồng: Thu hồi toàn bộ đất cho thuê dự án King Palace

DNVN - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định về việc thu hồi đất đã cho Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt thuê để thực hiện dự án nghỉ dưỡng cao cấp King Palace.

Lâm Đồng: Kiểm tra hàng loạt khu đất phân lô bán nền gắn mác dự án bất động sản / Nhiều bất cập trong kinh doanh lưu trú tại điểm du lịch canh nông tại Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 158.632 m2 đất đã cho Công ty cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt (Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt) thuê để thực hiện dự án Khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp King Palace tại Dinh 1, đường Trần Quang Diệu, P.10, TP.Đà Lạt theo Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 9/12/2014 của UBND tỉnh

Lý do thu hồi là dự án đã bị chấm dứt hoạt động vào tháng 9/2021 và việc xử lý tài sản trên đất thuê đã được UBND tỉnh thống nhất theo văn bản ngày 17/5/2022. Toàn bộ diện tích đất thu hồi sẽ được giao cho UBND TP.Đà Lạt quản lý.

Dự án King Palace

Dự án King Palace

UBND tỉnh giao Sở Tài chính tiếp tục rà soát về kinh phí cần hoàn trả cho Công ty cổ phần Hoàn cầu Đà Lạt; giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan bàn giao diện tích đất nêu trên cho UBND TP Đà Lạt quản lý cũng như lập thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thực hiện cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo quy định.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập thủ tục chấm dứt hợp đồng thuê rừng hoặc đề xuất xử lý liên quan đến tài nguyên rừng (nếu có) theo quy định. Về phía UBND TP Đà Lạt có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức quản lý chặt chẽ quỹ đất thu hồi, lập kế hoạch đưa đất vào sử dụng theo quy định.

Trước đó, ngày 12/11/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án King Palace (TP Đà Lạt) do Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt làm chủ đầu tư. King Palace có tên trước đó là Dinh I.

Theo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vào ngày 8/7/2020, qua xác minh, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án King Palace vì có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư.

 

Vào tháng 12/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt thuê 158.632m2 để thực hiện dự án, thời hạn cho thuê là 50 năm. Trong đó, có 17.542m2 đất phi nông nghiệp, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và 141.090m2 đất rừng cảnh quan trả tiền thuê hằng năm.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt thuê nhà, đất Dinh 1 để thực hiện dự án King Palace khi không có kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015 là vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, việc UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt thuê đất Dinh 1 và các biệt thự trên khuôn viên đất 1,86ha không thông qua đấu giá là vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 43 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.

Trước đó, theo Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp (năm 2014 và đăng ký thay đổi tháng 3/2015) cho Công ty cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt thuê diện tích đất trên để thực hiện dự án King Palace với mục tiêu trùng tu Dinh I, phục hồi hiện trạng và xây dựng mới khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị, văn hoá với số vốn đầu tư 700 tỷ đồng.

Dinh I là một hệ thống công trình kiến trúc lớn trên đường Trần Quang Diệu (thuộc Phường 10, TP Đà Lạt) được xây dựng vào những năm 1940 bởi nhà triệu phú người Pháp Clément Bourgery. Công trình tọa lạc trên một quả đồi tuyệt đẹp rộng hơn 18ha, mang phong cách kiến trúc tân cổ điển châu Âu, gồm một hầm, một trệt, một lầu, với 12 phòng. Nơi đây từng là tổng hành dinh của Vua Bảo Đại trong thời kỳ ông làm Quốc trưởng (1949-1955). Năm 1956, Dinh I trở thành dinh thự riêng của Tổng thống Ngô Đình Diệm và sau đó được sử dụng làm nơi nghỉ mát đến năm 1975.

 

Sau năm 1975, do các điều kiện khách quan và chủ quan, Dinh I được khai thác phục vụ du lịch nhưng không hiệu quả. Một thời gian dài, Dinh I bị bỏ hoang, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều công trình, hạng mục.

Bảo Thanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm