Bất động sản

Lực đẩy nào để 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoạt động trở lại?

Trong 3 tháng đầu năm 2020 có khoảng 80% sàn đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, phản ánh bức tranh chung của thị trường bất động sản ảm đạm trong thời kỳ dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số nhận định cho rằng cuối quý III, đầu quý IV/2020, thị trường sẽ hồi phục.

Covid-19: Giá nhà chỉ tăng, không giảm / Các địa phương có được phân lô bán nền?

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS),Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp BĐS chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ...

Thị trường ảm đạm

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, tại một số dự án đang triển khai xây dựng hầu như chưa khởi động lại hoặc phải tạm dừng hoạt động, gần như toàn bộ công nhân, lao động phải tạm nghỉ.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp BĐS vẫn đang tiếp tục triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các dự án đang dở dang và triển khai các dự án được cấp phép mới.

Đáng chú ý, về hoạt động của sàn giao dịch BĐS, Bộ Xây dựng thông tin, trong quý I/2020 có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp hoặc phải chuyển nghề khác.

“Tính đến nay, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch BĐS đang hoạt động cầm chừng, hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ”, Bộ Xây dựng cho hay.

Theo Bộ Xây dựng, khi Chính phủ, các địa phương thực hiện cách ly xã hội, yêu cầu giãn cách trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều chủ đầu tư và các sàn giao dịch không thực hiện mở bán sản phẩm được.

Điều này được khẳng định thêm bởi thống kê của các công ty nghiên cứu BĐS cho thấy, trong quý I/2020, tại miền Bắc chỉ có 2 dự án cao tầng và 2 dự án thấp tầng mở bán mới; tại miền Nam là 6 dự án cao tầng và 6 dự án thấp tầng.

Để đối phó với hiện trạng khó khăn trong giao dịch, một số sàn giao dịch BĐS đã và đang nghiên cứu phát triển thêm hình thức giao dịch trực tuyến, tuy nhiên chủ yếu vẫn chỉ là đăng thông tin, giới thiệu về dự án trong trang mạng riêng của doanh nghiệp (sàn thương mại điện tử BĐS).

Quý I/2020 có 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa do dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục vào cuối quý III, đầu quý IV/2020. (Ảnh: Internet)

Quý I/2020 có 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa do dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục vào cuối quý III, đầu quý IV/2020. (Ảnh: Internet)

Kỳ vọng sớm tăng trưởng trở lại

Qua thống kê của Bộ KH&ĐT, quý I/2020 chỉ có hơn 1.350 doanh nghiệp BĐS thành lập mới (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019); có gần 500 doanh nghiệp BĐS ngừng kinh doanh (tăng 94%); hơn 200 doanh nghiệp BĐS phá sản (tăng 69%).

Kênh thông tin Batdongsan.com.vn khảo sát trên 1.100 môi giớivề ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đến thị trường BĐS, cho thấy có 97% ghi nhận số lượng giao dịch giảm; 75% ghi nhận nguồn hàng trong tay môi giới suy giảm; 64% tin rằng thị trường BĐS sẽ phục hồi vào cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho biết, 100%các sàn giao dịch, cá nhân môi giới BĐS chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh; vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch. Theo ghi nhận từ các khu vực, khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp.

 

Như vậy, qua nhiều nguồn đánh giá có thể ghi nhận, trong thời gian vừa qua, nguồn cung BĐS và lượng giao dịch thành công sụt giảm, kéo theo nhiều doanh nghiệp và sàn giao dịch phải đóng cửa, môi giới mất việc làm.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và sàn giao dịch BĐS, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp “khơi thông” lại thị trường. Vì đây là thách thức, nhưng là động lực để các doanh nghiệp vượt qua trong thời điểm này.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, các loại hình doanh nghiệp BĐS cần thiết phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá sản phẩm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát triển BĐS nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh khiến cho tình hình kinh tế suy giảm.

Còn đối với các sàn giao dịch BĐS, nên nâng cấp hệ thống công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh; cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hơn nữa, để sớm ổn định và đưa thị trường BĐS phát triển bền vững, các sàn giao dịch BĐS cần kiên quyết không vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho các "dự án ma", dự án không phù hợp quy định pháp luật.

 

Thị trường BĐS Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung đang trải qua một thời kỳ đầy khó khăn. Người tìm kiếm BĐS, nhà đầu tư đều có tâm lý e dè, nghe ngóng và tích trữ tiền mặt, vàng để đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên, trước sự kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ, các chuyên gia nhận định thị trường BĐS có thể phục hồi và tăng trưởng giao dịch trở lại từ cuối quý III, đầu quý IV/2020. Điều đó đồng nghĩa với kỳ vọng các doanh nghiệp phát triển BĐS cũng như doanh nghiệp kinh doanh BĐS phục hồi trong thời gian tới.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm