Vì sao giao dịch giảm, giá nhà vẫn tăng bất chấp Covid-19?
Thách thức khi khai thác bất động sản khách sạn mùa dịch COVID-19 / Nhà đầu tư cũng có thể là chủ đầu tư?
Giá nhà tăng bất chấp giao dịch giảm vì Covid-19
Thông tin từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho thấy, bất chấp khối lượng giao dịch giảm mạnh do ảnh hưởng của Covid-19, giá căn hộ chung cư trong quý 1/2020 vẫn tăng. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% trong khi giá bán chung cư tại TP.HCM tăng tới 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, giá bán nhà riêng lẻ tại Hà Nội tăng khoảng 3,82%, trong khi tại TP.HCM tăng tới 8,36%.
Giá bán bất động sản công nghiệp tăng 6,2%, giá bất động sản nghỉ dưỡng không đổi so với cùng kỳ năm 2019.
Khảo sát của PV báo Dân trí cũng cho thấy, sau khi Chính phủ quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, trên thị trường thứ cấp, một số dự án căn hộ tầm trung và giá rẻ tại khu vực Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông (Hà Nội) cũng đồng loạt tăng giá từ 200 - 500 triệu đồng, tùy thuộc vào diện tích căn hộ.
Cụ thể, một căn hộ 60 m2 tại Kiến Hưng (Hà Đồng) trong 4 tháng, kể từ cuối năm 2019 cho tới nay đã tăng từ 1,1 tỷ đồng lên 1,25 tỷ đồng (tương đương 8,3%); tương tự, một căn hộ 92 m2 tại Nam Từ Liêm tăng từ 1,6 tỷ đồng lên 1,7 tỷ đồng (tương đương 5,8%).
Ngoài ra, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội 2 tuần, một số khu vực tại Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, đặc biệt là một số khu vực tại Gia Lâm và Hà Đông giá nhà đất cũng tăng thêm 5 - 15 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào diện tích, vị trí.
Cụ thể, một ngôi nhà cấp 4 mặt ngõ tại Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) đã tăng từ 40 triệu đồng/m2 lên 45 triệu đồng/m2. Một ngôi nhà có cùng diện tích nhưng có vị trí sát đường lớn ở khu vực này cũng tăng từ 55 triệu đồng/m2 lên 65 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số “cò” đất còn khẳng định, trong 1 - 2 tháng tới, nếu không mua nhanh, giá đất tại đây có thể tăng lên ngưỡng 70 triệu đồng/ m2.
Giá nhà tăng do thiếu hụt nguồn cung?
Giải thích cho hiện tượng khối lượng giao dịch giảm nhưng giá căn hộ vẫn tăng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, khối lượng giao dịch trong quý 1/2020 giảm mạnh không phải do nhu cầu giảm, mà là do người dân “ngại” đi mua nhà vì sợ lây nhiễm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn quý 1/2020, do quyết định giãn cách xã hội đã buộc các sàn giao dịch BĐS phải tạm dừng hoạt động, các dự án đang thi công và hoàn thiện cũng phải ngừng xây dựng. Vì vậy, khối lượng giao dịch giảm là điều có thể dự báo từ trước.
Trên thực tế, theo ông Đính, nhu cầu mua nhà của người dân hiện nay là rất lớn, đặc biệt là các phân khúc nhà ở, căn hộ tầm trung dưới 2 tỷ đồng.
“Chỉ riêng Hà Nội, có hàng triệu người chưa có nhà ở và rõ ràng, đây chính là đối tượng khổng lồ của thị trường BĐS. Đó là còn chưa tính đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người lao động mới về Thủ đô hằng năm”, ông Đính chia sẻ.
Tuy nhiên, trong vòng 2 năm gần đây, do nhiều địa phương đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các dự án BĐS nên khiến cho thị trường thiếu hụt nguồn cung. Kết hợp 2 yếu tố nhu cầu ngày càng tăng, nguồn cung lại hạn chế đã khiến giá căn hộ tăng mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đồng tình với quan điểm của ông Đính, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&B DKRA Việt Nam cho rằng, rất khó để giá căn hộ hạ nhiệt giữa bối cảnh thiếu nguồn cung như hiện nay. Đặc biệt là phân khúc căn hộ tầm trung và giá rẻ từ 1,5 tỷ đồng - 2 tỷ đồng vẫn sẽ là sản phẩm chủ lực của thị trường trong thời gian tới.
“Ngay cả trong thời gian qua, khi thị trường rơi vào cảnh trầm lắng do dịch bệnh, chúng tôi cũng không ghi nhận bất kỳ một sản phẩm BĐS nào giảm giá. Điều này chứng minh rằng, giá trị của các sản phẩm BĐS đang ở trạng thái ổn định”, ông Hoàng cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo