Mệt mỏi, vỡ mộng vì “ở Ecopark, đi làm nội đô” mùa dịch
TP.HCM: Mặt bằng nhà phố cho thuê ế ẩm, tiếp tục đối mặt với khó khăn / Công ty CPPT BĐS Phát Đạt bị truy thu 292 triệu đồng tiền thuế
Những người sống ở đô thị vùng ven bị ảnh hưởng bởi các quy định phòng dịch
Bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 24/7, thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, yêu cầu người vào thành phố phải đảm bảo các điều kiện khắt khe về y tế (giấy xét nghiệm âm tính bằng test nhanh hoặc reatime RT-PCR trong vòng 72 giờ hoặc giấy xác nhận đã tiêm vaccine), để đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19. Ngay sau khi quyết định được đưa ra, trong các hội nhóm cộng đồng cư dân Ecopark (Hưng Yên), nhiều người lo ngại việc kinh doanh, đi lại làm việc khó khăn nên liên tục đặt những câu hỏi để nhờ giải đáp: “Điều kiện để vào Hà Nội như thế nào?”, “Khi vào Hà Nội rồi quay về nhà ra sao?”…
Các cư dân lo lắng cho việc đi lại làm việc giữa Hà Nội - Hưng Yên trong những ngày sắp tới. Ảnh chụp màn hình.
Tương tự, trên các mạng xã hội về ô tô, giao thông, trong hai ngày nay cũng có rất nhiều câu hỏi được đặt ra để nhờ các thành viên giải đáp, trong đó có việc sẽ đi lại ra sao khi nhà ở Hòa Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… hàng ngày vẫn làm việc tại Hà Nội.
Tìm hiểu của Doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, chiếm phần lớn các câu hỏi của cư dân đang sinh sống tại Ecopark, do rất nhiều gia đình tại đây là những người từ Hà Nội sang mua nhà, nay bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều người cho biết hàng ngày họ vẫn phải đi làm tại Hà Nội và lo ngại trong những ngày sắp tới công việc và cuộc sống gia đình sẽ bị đảo lộn.
Đáng chú ý, nhiều người bất ngờ khi biết tỉnh Hưng Yên cũng mới đưa ra điều kiện rất khắt khe để kiểm soát dịch bệnh. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên, từ 0h ngày 25/7, người từ thành phố Hà Nội đến làm việc tại tỉnh Hưng Yên và ngược lại, có lịch trình đi và về hàng ngày phải có giấy xác nhận đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, hoặc có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng test nhanh, hoặc phương pháp RT-PCR còn hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.
Đồng thời, người dân từ Hà Nội về Hưng Yên lưu trú nếu không có đủ các loại giấy tờ cần thiết phải cách ly tập trung 14 ngày phải trả phí, cách ly tại nhà 14 ngày tiếp theo và xét nghiệm 3 lần có trả phí.
“Tôi chưa tiêm vaccine cũng như làm xét nghiệm, công việc quan trọng của công ty vào sáng thứ 2 (ngày 26/7 – PV) phải hoãn lại rồi. Mà cách đây hơn 2 tháng, xe buýt chạy tuyến Ecopark – nội thành Hà Nội đã phải tạm dừng do dịch bệnh tác động, công việc vợ tôi bị đảo lộn do phải tự lái xe đi làm, giờ thêm tình huống mới này hai vợ chồng không biết giải quyết công việc ra sao”, một cư dân đang sống tại Ecopark chia sẻ.
Trong khi đó, một số cư dân cho biết ngay trong ngày đầu tiên Hà Nội giãn cách xã hội 24/7, đường đê Bát Tràng và đường liên tỉnh 379 nối Hưng Yên – Hà Nội tắc cứng với những chiếc xe du lịch, xe tải, container dài hàng km khiến không thể nhích nổi. Có người đi làm từ nội đô về đến nhà trong ngày cũng mất tới gần 3 tiếng đồng hồ. Nếu tình trạng này còn tái diễn, sẽ rất mệt mỏi khi tham gia giao thông.
Ùn tắc trên đường liên tỉnh 379 nối Hưng Yên - Hà Nội trong ngày đầu Hà Nội giãn cách. Ảnh: Facebook.
Không căng thẳng như các cư dân tại Ecopark, anh Quang Hoàng, một người đang sở hữu nhà vườn tại Lương Sơn (Hòa Bình) cho hay, sáng ngày 22/7 anh đã đưa cả gia đình về Hòa Bình để nghỉ cuối tuần “tránh dịch” thì đến đêm 23/7, ngay sau khi hay tin Hà Nội sẽ giãn cách xã hội, vợ chồng anh đã vội vàng bế cô con gái hơn 7 tuổi đang ngủ say lên xe ô tô để chạy thẳng về Hà Nội vào lúc 1 giờ sáng.
“Vợ chồng tôi chưa ai được tiêm vaccine. Chúng tôi phải về gấp vì còn rất nhiều việc ở Hà Nội cần giải quyết trong tuần sau, nếu ở lại Hòa Bình sẽ rất phiền phức”, anh Hoàng chia sẻ.
Cân nhắc quyết định mua nhà vùng ven
Để tận hưởng không gian sống xanh lý tưởng, khí hậu trong lành của các vùng ven đô, vài năm gần đây, nhiều gia đình tại Hà Nội đã tìm mua căn hộ chung cư, biệt thự hoặc mua đất xây nhà vườn tại Hưng Yên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…
Chính vì thế, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, sinh thái giáp với Hà Nội nhộn nhịp mọc lên như tại Hòa Bình (với Legacy Hill, Ivory Resort & Villas, Cullinan Hòa Bình Resort…), tại Vĩnh Phúc (với Paradise Đại Lải), tại Hưng Yên (như Ecopark và "siêu dự án" Dream City của Vingroup đã được phê duyệt chủ trương đầu tư)...
Phong trào "bỏ phố về quê" nở rộ, với hàng loạt các dự án đã mở bán, nhiều gia đình mua xây nhà vườn, biệt thự để nghỉ cuối tuần kết hợp cho thuê. Thậm chí rất nhiều gia đình từ Hà Nội chuyển hẳn sang khu vực có khoảng cách địa lý rất gần như Hưng Yên (chỉ mất tầm 20 phút chạy xe ô tô cá nhân về nội đô Hà Nội) để mua nhà dự án của Ecopark, vẫn đi lại hàng ngày để làm việc và sinh sống.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm làn sóng COVID-19 lần thứ 4 xảy ra với số ca mắc trên cả nước liên tục tăng cao, lên tới hơn 90.000 ca (gấp rất nhiều lần năm 2020), khiến cho ngành du lịch điêu đứng thì việc kinh doanh bất động sản lưu trú, homestay cũng gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí “đóng băng”.
Và thêm việc phải giãn cách xã hội, việc đi lại giữa Hà Nội với các tỉnh giáp ranh vốn trước kia rất dễ dàng thì nay lại trở nên vô cùng phức tạp. Đây được xem là tình huống bất ngờ và hoàn toàn chưa từng có tiền lệ, khiến cho nhiều gia đình, nhà đầu tư phải “méo mặt” cho thuê không được, ở cũng chẳng xong.
Chính vì thế, trên các nhóm mạng xã hội, nhiều người cho biết đang có ý định mua nhà đất ngoại tỉnh giáp ranh để ở hoặc nghỉ cuối tuần cũng sẽ phải cân nhắc kĩ, xem xét lại quyết định để tránh những phiền phức về lâu dài có thể gây đảo lộn cuộc sống, công việc khi xảy ra giãn cách xã hội dài ngày.
End of content
Không có tin nào tiếp theo