Bất động sản

Nghịch lý nhà ở xã hội: Nhu cầu cao nhưng phát triển chưa xứng với kỳ vọng

DNVN - Theo PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh: nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, Chính phủ cũng đã có sự quan tâm thích đáng đến việc xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế phát triển nhà ở xã hội còn cách xa so với nhu cầu và mong muốn đặt ra. Nhiều dự án gần như không có sự dịch chuyển.

Nghịch lý giá nhà để bán không đổi, giá cho thuê giảm / Bất động sản tung chiêu thu hút nhà đầu tư, liệu có khả quan?

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng trên 85.000 căn, tổng diện tích khoảng 4,29 triệu m2 nhà ở và đang tiếp tục triển khai 220 dự án với khoảng gần 180.000 căn.

Tuy nhiên, kết quả của chương trình này so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 34%.

Theo kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội vừa được Kiểm toán nhà nước công bố, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành. Trong đó, 2/15 dự án chưa triển khai xây dựng; 7/15 dự án chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận dự án đầu tư; 1/15 dự án không có thông tin tình hình triển khai; 2/15 dự án dừng triển khai không thực hiện được nhà ở xã hội hoặc thu hồi; 3/15 dự án đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại.

Giá bán các dự án nhà ở xã hội có xu hướng tăng cao hơn

Theo một lãnh đạo thuộc Sở xây dựng cho biết, sở dĩ những năm trước đây các dự án NƠXH có giá rẻ không quá 15 triệu đồng/m2 là do thời điểm này các dự án này được vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Khi gói hỗ trợ này kết thúc giá nhà ở xã hội lại có xu hướng tăng cao hơn.

Một nguyên nhân khác làm cho NƠHX có giá rẻ, cũng theo vị này thì giá nhà ở xã hội không bị khống chế mà theo quy định lợi nhuận của chủ đầu tư không được vượt quá 10%. Bên cạnh đó các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất nhiều hơn so với nhà ở thương mại.

Thời gian vừa qua, có những dự án NƠHX bị đội giá lên cao giao động từ 15 – 17 triệu đồng/ m2 thậm chí có những dự án bị thổi giá lên đến gần 20 triệu đồng/ m2. Điển hình là một dự án NƠHX tại quận Nam Từ Liêm công bố mức giá 19,5 triệu đồng/m2 khiến nhiều người mua nhà bị “sốc”. Tuy nhiên, sau khi Sở Xây dựng rà soát lại, chủ đầu tư công bố giá bán chính thức dự án 17,5 triệu đồng/m2.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhà ở xã hội - Nhu cầu cao nhưng phát triển chưa xứng với kỳ vọng

Theo PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh: nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, Chính phủ cũng đã có sự quan tâm thích đáng đến việc xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế phát triển nhà ở xã hội còn cách xa so với nhu cầu và mong muốn đặt ra. Nhiều dự án gần như không có sự dịch chuyển.

“Ngay từ khâu quy hoạch vị trí để xây dựng nhà ở xã hội đã có vấn đề, nhìn nhận không chuẩn xác. Vì yếu tố giá rẻ nên hầu hết các nhà ở xã hội được xây ở những nơi hẻo lánh, ít hạ tầng kết nối, gần như tách rời khỏi kết cấu hạ tầng. Những khu đất 'vàng', thuận lợi cho việc đi lại, dễ dàng kết nối với hạ tầng cơ sở nghiễm nhiên trở thành địa điểm để xây dựng những dự án nhà ở thương mại. Đó là lý do khiến nhiều khu nhà ở được xây lên nhưng chẳng ai đến ở. Những khu quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội đang tạo ra những cái nhìn không mấy thiện cảm với những người di chuyển đến”.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, kể từ khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường NƠXH đã chững lại cả về nguồn cung lẫn cầu do một thời gian dài không có gói tín dụng thay thế. Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai gói vay ưu đãi cho NƠXH, nhưng mức vốn thấp hơn nhiều so với nhu cầu vay vốn của người dân.

 

Về giá bán của các dự án nhà ở xã hội, ông Thịnh cho biết, với mức giá hiện nay tối thiểu cũng từ 15 - 17 triệu đồng/m2. Đó là một số tiền tương đối lớn so với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng của người dân Việt Nam nói chung. Do đó, những người thu nhập thấp để đủ tiền mua được nhà ở xã hội hiện nay không đơn giản. Chính vì lẽ đó, nên những doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội bán ra đúng đối tượng thực tế cũng rất khó. Đó cũng là trở ngại với doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

“Rõ ràng được xây dựng cho người thu nhập thấp, nhưng một lượng lớn nhà ở xã hội lại được bán cho “người giàu”. Có người “ôm” cả 5 - 7 căn, sau đó bán lại thu lời. Sản phẩm nhà ở xã hội đã ít nhưng lại không đến được đúng đối tượng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc xét đối tượng được mua nhà ở xã hội hiện nay hơi phức tạp, nhiều thủ tục, nên những người có nhu cầu thực tế rất khó tiếp cận với nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản thì cho rằng: vốn vay ưu đãi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những khó khăn của việc phát triển nhà ở xã hội ở thời điểm hiện tại.

Được biết, Nghị quyết của Chính phủ số 71/2018/QH14 có đề nghị bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định nhằm thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

 

Tuy nhiên, theo ông Ninh: “Hiện mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn. Giờ phải chờ quyết định của Thủ tướng phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế, trong đó nhà ở xã hội chỉ là một phần nhỏ”.

Huyền Phạm
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm