Phân khúc trung cấp thống lĩnh thị trường bất động sản
Sự thật về việc chủ đầu tư Thống Nhất Complex cắt điện, nước của cư dân giữa nắng nóng / BĐS những tháng cuối năm 2020: Tiếp tục gọi tên BĐS công nghiệp
Thị trường bất động sản (BĐS) trong 2 quý đầu năm 2020 ghi nhận nhiều sáng tạo mới mẻ trong việc mở bán sản phẩm để đối phó linh hoạt với ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Đây là thông tin được bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam tại Hà Nội đưa ra tại buổi họp báo trực tuyến vừa được tổ chức.
Xuất hiện nhiều hình thức bán hàng
Bà An cho biết, thực tế trong thời điểm giãn cách xã hội hồi tháng 4/2020, nhiều công ty phát triển và xây dựng BĐSđã thực hiện bán hàng online và hiệu quả khá tốt.
Nhiều hình thức mở bán BĐS đa dạng đã được các chủ đầu tư tung ra thị trường để chào bán cho cả khách hàng trong nước và quốc tế.
Đơn cử như Vinhomes và CenGroup đã triển khai bán hàng trực tuyến, kết hợp livestream, doanh số bán hàng tuy có giảm so với quý IV/2019, nhưng hầu hết đều duy trì được kênh bán hàng.
Ông Rober Vũ, CEO của kênh thông tin batdongsan.com.vn chia sẻ, có 4 hoạt động lớn mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư đã thay đổi: đầu tư cho thương mại điện tử (mở bán, đặt cọc online); sử dụng dữ liệu lớn (để hiểu khách hàng và tối ưu việc vận hành); các chương trình khuyến mãi và giảm giá; tập trung tăng năng suất bán hàng và marketing. Trong đó, các ứng dụng để quản lý dự án và bán hàng trực tuyến như PropertyGuru Fastkey đã được nhiều chủ đầu tư ứng dụng thành công.
Bà An cho rằng, các hình thức bán hàng linh hoạt này đã tạo nên sự khác biệt lớn nhất từ trước đến nay; đòi hỏi các chủ đầu tư phải có chiến lược, đánh giá nghiên cứu để giảm thiểu khó khăn hiện tại, tận dụng cơ hội cũng gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần có thời gian để kiểm chứng về hiệu quả của các kênh bán hàng này.
Trong thời gian diễn ra giãn cách xã hội (tháng 3 - 4), nguồn cung giảm sút. Nguồn cung chỉ bật lên trong tháng 5 và tháng 6, đánh dấu nguồn cung mới BĐS tại thị trường Hà Nội quý II/2020 tăng trên 2,4 lần so với quý I.
Bà Đỗ Vân Anh, đại diện CBRE cho biết, tính chung cả quý I và II, tổng nguồn cung vẫn giảm khoảng 65% theo năm. Tháng 6 vừa qua là thời điểm Hà Nội “bận rộn” với nhiều dự án mở bán mới.
Đáng chú ý, phân khúc trung cấp vẫn thống lĩnh nguồn cung BĐS tại thị trường Hà Nội khi chiếm tới hơn 80% lượng mở bán mới. Phân khúc trung cấp có mức gia tăng cao nhất so với các phân khúc khác.
Thị trường vẫn còn khó khăn
Trước đó, ông Robert Vũ cho biết, lượng tìm kiếm căn hộ có diện tích 45m2 tăng đáng kể từ tháng 2/2020, tăng hơn 200%. Điều này phản ánh xu hướng ngày càng có nhiều người trẻ, gia đình trẻ ra ở riêng và có nhu cầu sở hữu các căn hộ vừa túi tiền hơn.
Còn theo kết quả điều tra dân số và hộ gia đình của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ gia đình 1 người đã tăng 51% sau 10 năm. Đây cũng chính là một yếu tố để các chủ đầu tư xây dựng các căn hộ studio và các căn hộ diện tích nhỏ ở phân khúc trung cấp chú trọng khai thác.
Quý II/2020, trong tổng số 11 dự án mở bán mới trên địa bàn Hà Nội có duy nhất 2 dự án thuộc phân khúc cao cấp và 9 dự án thuộc phân khúc trung cấp, không có thêm dự án mới tại các quận lõi nội đô được chào bán. Các dự án khu đô thị tiếp tục là nguồn cung chính cho phân khúc chung cư tại Hà Nội.
Theo bà Vân Anh, diễn biến giá tại thị trường Hà Nội vẫn có sự tăng trưởng ổn định. Trong quý II tăng 3% theo năm.
So sánh với thị trường TP.HCM cho thấy, giá bán sơ cấp của Hà Nội hấp dẫn hơn bởi có nhiều dự án trung cấp, mức tăng ổn định kể từ quý II/2007 đến nay là 2% theo năm.
Kể từ khi xã hội thiết lập trạng thái bình thường mới, các sự kiện bán hàng trở lại chính là kênh tiếp thị của chủ đầu tư với người mua nhà. Nhờ đó, doanh số bán hàng phục hồi với mức tăng trưởng tốt cho dù 6 tháng qua vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Đánh giá chung về triển vọng thị trường BĐS thời gian tới, các chuyên gia CBRE dự báo, nguồn cung mở bán mới trong quý III và IV/2020 sẽ khiêm tốn, chỉ khoảng 18.000 - 20.000 căn, thấp hơn đáng kể so với con số bình quân trước đó khoảng 30.000 căn/năm.
Cùng đó, doanh số bán chỉ rơi vào khoảng 15.000 - 17.000 căn. Mặc dù con số này thấp hơn thường kỳ nhưng các chuyên gia dự báo sẽ bắt kịp tốc độ cũ với nguồn cung mới. Diễn biến giá của thị trường BĐS Hà Nội tiếp tục duy trì sự ổn định.
Đánh giá về thị trường BĐS thời gian tới, theo ông Robert Vũ, dịch bệnh đã có những tác động tích cực đến cách kinh doanh BĐS, các chủ đầu tư thay đổi linh hoạt để ứng phó với dịch bệnh.
"Rõ ràng Covid-19 đã có tác động không nhỏ đến toàn bộ thị trường BĐS nói chung và sự biến động của thị trường trong các quý tới sẽ phụ thuộc một phần vào việc Chính phủ và người dân sẽ kiểm soát dịch bệnh như thế nào trong thời gian sắp tới... Từ nay đến nửa cuối năm 2020, thị trường BĐS sẽ gặp nhiều khó khăn", ông Robert Vũ nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Nguồn cung và lượng bán đã tăng hơn so với quý I/2020 nhưng thị trường BĐS vẫn chưa thoát khỏi "bóng ma" Covid-19 (Ảnh: Internet)