Pháp luật

Bắt nghi can cướp ngân hàng, bồi thường hơn 10 tỷ cho ông Nén

Đã bắt được nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng ở Trà Vinh, bồi thường hơn 10 tỷ đồng cho ông Nén, xét xử nguyên TGĐ Công ty mía đường Tây Ninh ... là sự kiện pháp luật đáng chú ý tuần qua.

Bắt được nghi can cướp ngân hàng ở Trà Vinh

Dẫn giả nghi phạm Lê Lâm Hưng. Ảnh: TTXVN.

Ngày 6/5, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Hình sự (C45) Bộ Công an hiện đang có mặt tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh - nơi các trinh sát của C45 vừa bắt giữ nghi phạm cướp ngân hàng cho biết: "Qua tài liệu điều tra và lời khai ban đầu của nghi phạm, xác định đối tượng thực hiện vụ cướp ngân hàng là Lê Lâm Hưng - sinh năm 1988, là một kỹ sư và hiện đang làm việc tại một nhà máy tại khu vực nhà máy Nhiệt điện duyên hải", theo tin tức trên báo Tuổi trẻ. 

Thông tin ban đầu cho hay nghi phạm tên là Lê Lâm Hưng (29 tuổi, quê gốc ở Hưng Yên, thường trú tại Cầm Phả, Quảng Ninh). Hiện, Hưng đang là kỹ sư làm việc tại Ban quản lý dự án nhiệt điện Duyên Hải và tạm trú tại phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.  Theo tướng Hồ Sỹ Tiến, các lực lượng bắt Hưng ngay tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.  Lời khai ban đầu cho hay  Hưng đã tiêu hết số tiền VND cướp được. Trước mắt,  Công an đã thu lại một  khoảng tiền đô mà Hưng đã cướp. 

Bước đầu Hưng khai báo thực hiện vụ cướp này một mình. Số tiền sau khi cướp từ ngân hàng, Hưng cất giấu ngay tại nơi làm việc.  Tướng Hồ Sỹ Tiến cũng cho hay khẩu súng mà Hưng sử dụng để đột nhập cướp ngân hàng là súng giả.

Được biết, toàn bộ quá trình gây án của tên cướp diễn ra trong 90 giây. Số tiền hắn lấy được gồm 1,580 tỷ đồng và 35.900 USD. Ngân hàng cho biết đã mua bảo hiểm đầy đủ nên không bị tổn thất về tài chính.

Nguyên TGĐ Công ty Mía đường Tây Ninh 

 

Các bị cáo tại phiên tòa (ảnh: Dân trí.)

Sau nhiều ngày xét xử, ngày 5/5, phiên tòa sơ thẩm lần hai vụ cố ý làm trái tại Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh bước vào phần nghị án.

Trước đó, tháng 5/2016, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử sơ thẩm lần 1 và tuyên phạt bị cáo Trần Cảnh Lạc (nguyên Tổng giám đốc Công ty Mía đường Tây Ninh) 10 năm tù. Các thuộc cấp của ông Lạc là Trần Xuân Danh (Trưởng phòng kinh doanh - thương mại) 9 năm tù và Nguyễn Thị Phúc (kế toán trưởng) 5 năm tù cùng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo tin tức trên báo Dân trí. 

Theo cáo trạng, Cty Mía đường Tây Ninh là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Từ ngày 7/12/2009 đến ngày 27/8/2012, Danh và Phúc tham mưu cho Lạc ký 50 hợp đồng xuất hàng cho hai công ty Xi Lai Phúc, Guo Qi Do Li mà không tìm hiểu đối tác.

Về phía đối tác thanh toán chậm, kéo dài thời gian thanh toán, không đúng quy định trong các hợp đồng ký kết, Lạc vẫn tiếp tục ký tiếp 5 hợp đồng bán hàng là tinh bột sắn, gạo. Phía đối tác chỉ thanh toán 6 tỷ đồng, còn lại đến nay không có khả năng thu hồi gần 70 tỷ đồng.

Ngày 3/5, phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, xử vụ cố ý làm trái tại Công ty mía đường Tây Ninh bước vào phần nghị án. Chủ tọa thông báo, thời gian nghị án kéo dài đến 9h sáng ngày 15/5, tòa sẽ tuyên án

 

Ông Huỳnh Văn Nén đã nhận được bồi thường hơn 10 tỷ đồng  

Ông Huỳnh Văn Nén cùng người thân. Ảnh: PLVN

Trưa ngày 4/5, nhân viên của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đến Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận làm thủ tục chuyển số tiền hơn 10 tỷ đồng vào tài khoản của người thân ông Huỳnh Văn Nén. Ông Biện Văn Hoan - Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận cũng đã xác nhận thông tin này, báo PLVN đưa tin. 

 ông Nén cho biết ông đang đi công việc xa nhà, chỉ mới nhận được thông tin tiền đã chuyển vào tài khoản của gia đình.

"Tôi chỉ mới nghe nói tiền đã chuyển chứ chưa nhận được. Khi nào nhận được tiền hãy hay chứ chưa biết sẽ làm gì", ông Nén chia sẻ.

Theo người nhà ông Nén, sau khi một số thông tin đưa gia đình đã nhận được tiền bồi thường, rất nhiều chủ nợ đã đến đòi số tiền mà gia đình ông mượn để xoay sở trong thời gian qua. "Bên cạnh các chủ nợ còn có nhiều người đến để xin tiền làm cuộc sống gia đình chúng tôi bị xáo trộn", người thân ông Nén nói.

Trước đó, ngày 17/1/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã công bố mức bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén là 10.001.335.000 đồng; Số tiền hơn 10 tỷ đồng mà ông Huỳnh Văn Nén được bồi thường bao gồm gần 5,3 tỷ đồng bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, 2,3 tỷ đồng thiệt hại do tổn hại về sức khỏe, gần 1,2 tỷ đồng bồi thường thu nhập thực tế bị mất và 1,2 tỷ đồng cho các thiệt hại khác.

 

Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ nổ súng dọa dân

Súng tự chế ông Đinh Xuân Tuân sử dụng. Ảnh: TTT

Ông Đinh Xuân Tuân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình và gia đình ông Nguyễn Thành Vinh (ngụ cùng thôn) đã có mâu thuẫn về tranh chấp đất đai từ lâu.

Khoảng 15h30 phút, ngày 1/5, tranh chấp giữa gia đình ông Vinh và ông Tuân tiếp tục xảy ra, ông Tuân đã dùng súng tự chế bắn hai phát đạn thẳng lên trời khiến người dân trong khu vực hết sức hoảng sợ, báo Tri thức trẻ đưa tin.

Sự việc trở nên căng thẳng khiến nhiều người dân có mặt lúc đó hoảng sợ và báo chính quyền. UBND xã Hóa Sơn đã huy động công an và dân quân xã ra hiện trường, tước súng của ông Tuân, lập biên bản.

Ông Cao Ngọc Điền, chủ tịch UBND xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết, xã vừa hoàn tất hồ sơ chuyển lên công an huyện Minh Hóa để xem xét xử lý vụ việc.

 

Chủ quán ăn "kiêm" ông trùm làm giả giấy khám sức khỏe

Các bị cáo tại tòa. Ảnh NĐT

Ngày 5/5, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử Đào Đức Hải (SN 1957, trú ở phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) về tội Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức theo khoản 2, Điều 267, Bộ luật Hình sự, theo tin tức trên báo Người đưa tin. 

Đồng phạm với Hải trong đường dây phân phối sức khỏe giả này còn có Nguyễn Quốc Việt (SN 1990), Phạm Ngọc Huê (SN 1993) cùng ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội và Lê Như Vũ (SN 1990, trú tại xã Thọ Dân, Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Theo truy tố của VKS, hành vi của các đối tượng được thể hiện như sau: Đào Đức Hải vốn là chủ một nhà hàng ăn uống tại phố Trần Vỹ, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Giữa năm 2015, Hải chuyển cơ sở kinh doanh về khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy. 

Thời gian này, Hải nhận Hà (không rõ lai lịch) vào làm đầu bếp. Sau ít ngày ăn ở tại nhà hàng đang trong quá trình hoàn thiện chờ khai trương thì bỗng dưng Hà bỏ đi và để lại một túi đồ.

 

Lâu ngày không thấy Hà quay lại, Hải tò mò mở túi đồ của Hà ra xem và phát hiện bên trong có hàng chục con dấu của bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, cùng tên, chức danh của giám đốc, phó giám đốc, bác sỹ chuyên khoa của bệnh viện này.

Cùng thời điểm, Hải biết có rất nhiều người có nhu cầu cần các giấy khám sức khỏe nên chủ nhà hàng lập tức nảy sinh ý đồ “chế” các loại giấy tờ giả bán kiếm lời.

Cơ quan điều tra xác định: Từ khi làm giả các giấy tờ của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương để bán cho khách, Đào Đức Hải thu lợi bất chính khoảng 10 triệu đồng; Phạm Ngọc Huê, Nguyễn Quốc Việt thu lợi bất chính 5 triệu đồng; Lê Anh Vũ chưa được hưởng lợi.

Nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Hải 42 tháng tù vì tội Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức. Việt và Huê cùng một khách mua giấy khám sức khỏe giả nhận án từ 24 tháng tù treo đến 30 tháng tù với cùng tội danh.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo