Tin tức - Sự kiện

Bất ngờ dò được tín hiệu rada chiếc máy bay mất tích ở eo biển Malacca

Ngày 11/3, quan chức cấp cao quân đội Malaysia cho biết họ tin rằng đã lần ra dấu vết chiếc máy bay trên radar tới Eo biển Malacca, rất xa kể từ nơi máy bay có liên lạc lần cuối với cơ quan kiểm soát không lưu dân sự ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này.

Phát hiện tín hiệu rada của chiếc máy bay mất tích rất gần eo biển Malacca của Malaysia.

Thông tin phía quân đội Malaysia cho biết, nguồn tin rất đáng tin cậy cho biết, chiếc máy bay Boeing 777-200 MH 370 Malaysia Airlines chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn có liên lạc lần cuối ở phía thị trấn Kota Bharu thuộc bờ Đông.

Vì vậy, nghi vấn về việc chiếc máy bay đã quay sang eo biển Malacca đã được đặt ra. Đây là một trong những kênh hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, chạy dọc đường bờ biển phía Tây của Malaysia. 
 
Không hề có dấu hiệu nào và cũng không có liên lạc radio nào cho thấy nó bị sự cố, và do không tìm thấy mảnh vỡ cũng như không có các dữ liệu chuyến bay, cảnh sát đã phải lần tìm qua danh sách hành khách và phi hành đoàn để tìm manh mối. 
 
Giám đốc cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar, cho biết: "Có thể có ai đó trên chuyến bay đã mua một hợp đồng bảo hiểm lớn, và muốn gia đình người đó được thụ hưởng, hoặc có ai đó nợ nần quá nhiều tiền, quý vị biết đấy, chúng tôi đang tìm hiểu mọi khả năng có thể xảy ra. Chúng tôi đang kiểm tra kỹ các hình video an ninh tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, chúng tôi đang tìm hiểu cách hành xử của mọi hành khách”.
 

Phó Chủ tịch khu vực của Hãng Hàng không Quốc gia Malaysia (MAS), phụ trách Trung Quốc Joshua Law Kok Hwa cho biết, MAS đã chi 31.000 nhân dân tệ (16.577 RM) hỗ trợ tài chính cho tất cả những người thân của các hành khách Trung Quốc trên chuyến bay MH370.

 

MAS cho biết đang làm việc chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc nhằm giải quyết việc cấp hộ chiếu nhanh nhất có thể cho các thân nhân của những hành khách trên chuyến bay MH370 muốn bay sang Kuala Lumpur, đồng thời MAS cũng đã làm việc với Cục Nhập cư Malaysia để cấp visa cho những người này.

Ở những hướng tìm kiếm khác cũng đã có thêm nhiều thông tin quan trọng. Tờ New Straits Times vừa đưa tin, sáng 11/3, 8 dân làng ở Kampung Pantai Seberang Marang đã trình báo với cảnh sát quận Marang rằng, họ đã nghe được một tiếng ồn rất lớn vào sớm 8/3.
 
Số người này đều cho rằng, tiếng động mà họ nghe được xuất phát từ phía Pulau Kapas và tin rằng âm thanh ồn ĩ này có liên quan tới chiếc máy bay mã hiệu MH370 bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.
 
Một trong số các người dân này, anh Alias Salleh, 36 tuổi, cho biết, vào lúc 1h20 sáng ngày 8/3, khi anh và 7 người dân ngồi trên một chiếc ghế cách bãi biển Marang khoảng 400m thì họ nghe được tiếng động trên. Âm thanh này giống như tiếng cánh quạt động cơ phản lực.
 
"Tiếng ồn ĩ đó xuất phát từ phía đông bắc Pulau Kapas và chúng tôi đã chạy về phía đó để tìm kiếm lý do. Chúng tôi chạy lòng vòng trên bãi biển Rhu Muda, nhưng không thấy bất cứ cái gì khác thường cả", anh Salleh cho biết.
 
Một người dân làng khác, anh Mohd Yusri Mohd Yusof 34 tuổi, nói rằng khi anh nghe được tiếng ồn lạ kia, anh đã tưởng là có sóng thần ập vào bờ biển. "Bạn tôi và tôi đã nghe được tiếng ồn đó trong khoảng 2 phút. Tôi quyết định trình báo cảnh sát sau khi đọc được tin tức về vụ máy bay mất tích", anh này nói.
 
Trước đó, đầu giờ sáng hôm nay, tờ Berita Harian của Malaysia cũng dẫn lời Tổng tư lệnh không quân Rodzali Daud cho biết, chiếc máy bay mất tích được phát hiện lần cuối cùng trên sóng radar quân sự vào lúc 2h40 ngày 8/3, gần đảo Pulau Perak ở tận cùng phía bắc eo biển Malacca.
 
Ông này cho biết thêm, vào thời điểm đó, chiếc máy bay này đang bay ở độ cao khoảng 9.000m. "Máy bay được tháp điều khiển phát hiện sóng radar lần cuối vào lúc 2h40 tại vị trí rất gần Pulau Perak ở eo Malacca", tờ Berita Harian dẫn lời ông Rodzali cho hay.
 
Nhưng ở một luồng thông tin khác, Alif Fathi Abdul Hadi (29 tuổi) người Malaysia lại cung cấp thông tin có thể là đầu mối tích cực đầu tiên cho thấy máy bay Malaysia đã đâm vào Vịnh Thái Lan.
 
Alif Fathi Abdul Hadi cho biết đã nhìn thấy ánh sáng về phía Biển Đông vào thời điểm 1h45 ngày 8/3, khoảng bốn phút sau khi radar liên lạc cuối cùng với máy bay.
 
Alif Fathi Abdul Hadi cho biết: “Khi tôi đang đi về phía sau nhà thì tôi chợt nhìn thấy thứ ánh sáng đó trên bầu trời và tôi tự hỏi vệt sáng đó sẽ hướng đi đâu. Thông thường, khu vực này giống như một “đường cao tốc cho máy bay”, nhưng tôi nhận thấy thứ ánh sáng mình nhìn thấy di chuyển theo hướng hoàn toàn khác. Nó đã hướng ra biển, gần Bachok (nằm ở phía nam nhà của Alif Fathi Abdul Hadi)".
 
Thông tin mà Alif Fathi Abdul Hadi đưa ra tương tự như lời của một ngư dân có tên Azid Ibrahim, 55 tuổi. Người này cũng nói rằng ông đã nhìn thấy một vệt ánh sáng lúc 1h30 ngày 8/3, khoảng 100 dặm về phía Nam nơi Alif Fathi Abdul Hadi đã nhìn thấy ánh sáng.
 
Tất cả những thông tin trên đang mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Trước đó, cảnh sát Thái Lan cũng cung cấp thông tin cho biết hai người Iran trên có thể đã mua hộ chiếu từ một đường dây đưa người đi cư trú tại châu Âu. Người Iran có tên "Mr Ali" đã hỏi vé đi châu Âu rẻ nhất qua một đại lý du lịch ở Pattaya, một vé đi Frankfurt (Đức), còn một vé đi Copenhagen (Đan Mạch).
 
Cảnh sát Malaysia đã xác định nhân thân của những người sử dụng hộ chiếu giả.
 
Cảnh sát Malaysia đã công bố ảnh chụp hai người sử dụng hộ chiếu giả để lên chuyến bay bị mất tích MH370, sau khi đã tiết lộ danh tính của một trong hai người, đồng thời bác bỏ khả năng họ là các thành viên của một nhóm khủng bố.
 
Một trong hai người là công dân Iran 19 tuổi tên làPouria Nour Mohammad Mehrdad. Cảnh sát cho biết, người này chỉ định quá cảnh tại Bắc Kinh trên hành trình tới cưu trú tại Frankfurt, Đức.
 
Giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia – ông Khalid Badar cho biết: “Mehrdad đã lên máy bay bằng hộ chiếu mang tên công dân Áo Christian Kozel, người đã thông báo rằng mình bị mất hộ chiếu tại Phuket, Thái Lan. Mẹ của anh ta đã liên hệ với nhà chức trách và đến lúc ấy mới phát hiện ra rằng con trai mình dùng hộ chiếu ăn cắp".
 
Ông Khalid nói rằng cảnh sát vẫn đang xác định nhân thân của nghi phạm sử dụng hộ chiếu ăn cắp thứ hai (của công dân Italy Luigi Maraldi). Người này được cho là cũng tìm cách tới Đức để xin tị nạn.
 
Tổng giám đốc Cục Xuất nhập cảnh Malaysia Datuk Aloyah Mamat cho biết cả hai trưởng hợp trên đều nhập cảnh vào Malaysia hôm 28/2 và được cấp visa du lịch có thời hạn trong vòng 90 ngày.
 

4 nhân viên của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) hứng chịu cơn giận dữ của người nhà hành khách trên chuyến bay MH370 trong lúc tung tích của phi cơ vẫn là điều bí ẩn.

 

“Tất cả người Malaysia đều là những kẻ nói dối. Cô hiểu kẻ nói dối là gì không? Nói bằng tiếng Anh cho chúng nghe”, một thân nhân hành khách hét lên bằng tiếng Trung Quốc về phía một phụ nữ trong số 4 thành viên của MAS. Theo New York Times, người phụ nữ đó là phiên dịch viên. Ba người khác là những nhà quản lý cấp cao của MAS.

 

Trong những ngày qua, nhân viên của MAS, bao gồm nhiều tình nguyện viên, phải hứng chịu những cú ném vỏ chai và trả lời các câu hỏi của người thân hành khách Trung Quốc tại một phòng khách sạn ở Bắc Kinh.

 
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo