Thị trường

Bất ngờ khi đồng nhân tệ liên tục bị phá giá

(DNVN) - Theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, dù chưa lường trước được việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị phá giá chỉ trong thời gian ngắn nhưng Việt Nam cũng đã có phản ứng kịp thời.

Trả lời những thắc mắc liên quan đến tác động của Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Việc Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh giá đồng Nhân dân tệ đã tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực và Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Cũng theo người phát ngôn của Văn phòng Chính phủ, Việt Nam cũng bất ngờ khi đồng nhân tệ liên tục bị phá giá. "Ngay đầu năm, khi làm kế hoạch năm, chúng ta đã lường trước những biến động có thể xảy ra, nhất là những nước ở khu vực gần chúng ta, trong đó có Trung Quốc nhưng cũng chưa lường trước được tình hình trong thời gian rất ngắn đồng nhân dân tệ bị phá giá như thế này", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.

Người phát ngôn của Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, mặc dù bất ngờ nhưng Việt Nam cũng đã có những giải pháp để kịp thời thích ứng.

Cụ thể, trước diễn biến phức tạp của đồng nhân dân tệ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư... và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động đến từng lĩnh vực, nhất là các thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường phối hợp, có đối sách phù hợp, tận dụng tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và các Bộ, ngành để đánh giá những biến động giảm mạnh của giá dầu thế giới, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỉ giá của nhiều nước trên thế giới, để đưa ra các đối sách phù hợp. 

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất; theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực; có phương án cho các kịch bản có thể xảy ra, kể cả trường hợp xấu nhất; chủ động thông tin tình hình, dự báo và các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, ứng phó phù hợp.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo