Bất ngờ sẽ đến từ cổ phiếu thị giá thấp
Với đà tăng trưởng khoảng 20% trong năm 2013, thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục khởi sắc trong năm nay, trong đó, nhiều cổ phiếu thị giá thấp có sức hút lớn.
Chứng khoán 2013: dấu ấn khối ngoại và cổ phiếu tốt
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2013, VN-Index đạt mức 504,63 điểm, còn HNX-Index đạt 67,84 điểm. So với đầu năm, cả hai chỉ số này tăng khoảng 20%.
Đợt tăng điểm mạnh nhất của thị trường là từ đầu năm đến gần cuối tháng 3. Sau đó, thị trường đi xuống trong biên độ khá hẹp trong quý III. Cuối năm, thị trường bước vào cơn sóng khá mạnh, với sự dẫn dắt của những cổ phiếu thị giá nhỏ, đưa HNX-Index lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2012. Điểm đáng chú ý là, cả hai đợt sóng của thị trường đều liên quan đến việc khối ngoại mua ròng khá mạnh trên thị trường.
Số liệu thống kê cho thấy, có 73% cổ phiếu tăng giá trong năm 2013. Một số cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2013 là HTL, PMS, SCL và S91 (tăng gấp 4 lần). Tuy vậy, hiện vẫn còn gần 50% số cổ phiếu có giá thị trường dưới mệnh giá và hơn 82% cổ phiếu dưới giá trị sổ sách.
Xét theo ngành, thì cổ phiếu ngành cao su, thủy sản giảm giá. Giá cổ phiếu ngành ngân hàng tăng nhẹ. Trong khi đó, cổ phiếu một số ngành tăng giá khá mạnh như vận tải, nhựa, thực phẩm - đồ uống, ngành xây dựng, tiện ích công…
Năm 2013, có khoảng 40 cổ phiếu bị hủy niêm yết, hầu hết là hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tiếp, một số do sáp nhập với doanh nghiệp khác. Trong khi đó, chỉ có 14 cổ phiếu niêm yết mới.
Năm qua được ghi nhận là năm giao dịch sôi động của khối ngoại. Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn chứng khoán đạt hơn 5.500 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi với năm 2012. Những cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là MSN, VCF, HPG, GAS, DPM... Trong khi đó, khối ngoại lại bán ròng các cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng và bất động sản, như HAG, CTG, EIB, REE, STB… Giao dịch của khối ngoại có tính dẫn dắt khá rõ nét và đã chi phối mạnh diễn biến thị trường.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tại thời điểm ngày 23/12/2013 là 955.000 tỷ đồng, tương đương 45 tỷ USD, hay 26,64% GDP năm 2013. Thống kê kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phi ngân hàng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2013, doanh thu của các doanh nghiệp tăng 5,43%, lợi nhuận tăng 24%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thua lỗ chiếm tới 20% tổng số doanh nghiệp niêm yết, so với tỷ lệ 13% của năm trước đó. Ngoài ra, có tới gần 60% doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2012.
Vĩ mô và vốn ngoại: Tác động tích cực trong năm 2014
Vào những tháng cuối năm 2013, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu phục hồi khá tích cực. Các chỉ số kinh tế cho thấy, các chu kỳ sản xuất và thương mại trên toàn cầu có thể đã đạt mức đáy vào quý III/2013. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô trong nước đã chuyển biến khả quan và có dấu hiệu dần thoát đáy.
GDP quý IV/2013 tăng tới 6,02%, mức cao hơn nhiều so với nhiều quý trước đó; chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV cũng đột ngột tăng 8%, cao hơn nhiều so với trước đó. GDP năm 2013 tăng 5,42%, gần chạm mức mục tiêu 5,5%. Đặc biệt, lạm phát cả năm chỉ tăng 6,02%, mức thấp nhất trong 10 năm qua; tỷ giá duy trì ổn định quanh mức 21.100 VND/USD; kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng mạnh; dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt hơn 30 tỷ USD, cao hơn 5 tỷ USD so với đầu năm; lãi suất huy động và cho vay trên thị trường đều giảm khá mạnh.
Những điểm tích cực đó đã và đang hỗ trợ tích cực thị trường chứng khoán. Tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn và dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng có thể đổ vào Việt Nam nhiều hơn.
Dự báo năm 2014, hầu hết các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2013. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục ở mức thấp, tỷ giá ổn định và tăng không quá 2%. Đặc biệt, lãi suất cho vay ở mức thấp sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp và lãi suất huy động thấp làm tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Nhiều người kỳ vọng, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Như vậy, dòng vốn nước ngoài có thể là một yếu tố tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong năm nay.
Năm 2014 cũng sẽ có nhiều chính sách tích cực tác động tới thị trường chứng khoán. Chính phủ tăng bội chi ngân sách để tăng đầu tư chi tiêu hỗ trợ nền kinh tế. Đặc biệt, những động thái gần đây cho thấy, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2014 để đạt mục tiêu tăng trưởng 14 - 15%. Bên cạnh đó, điều kiện cho vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng được nới lỏng và lãi suất đã giảm xuống chỉ còn 5%/năm. Ngoài ra, Nghị định 01/2014/NĐ-CP mới ban hành đầu năm đã nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng trong nước.
Tuy nhiên, xét ở góc độ dài hạn, kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều rủi ro. Nợ xấu vẫn là một vấn đề đáng quan ngại. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chỉ mới đóng vai trò “đóng băng” nợ xấu, chứ chưa thực sự xử lý nợ. Bên cạnh đó, các vấn đề căn bản như tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đổi mới thể chế vẫn còn nan giải.
Như vậy, có thể nhận định, xu thế chung của thị trường chứng khoán là khá tích cực, song khó kỳ vọng thị trường tăng mạnh và một dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào thị trường như những năm trước.
Nhận diện những cổ phiếu hấp dẫn trong năm 2014
Năm 2013, các nhóm cổ phiếu thuộc ngành sản xuất thép, nhựa hóa chất và dược phẩm, vận tải, thực phẩm - đồ uống, khai khoáng đã tăng rất mạnh. Cổ phiếu của các nhóm này tăng một phần do có một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan. Chẳng hạn, trong ngành thép, Hoa Sen (HSG) và Hòa Phát (HPG) đều có lợi nhuận tăng rất mạnh, kéo theo cổ phiếu tăng giá. Tương tự, trong ngành dược có Dược Hậu Giang (DHG); ngành hóa chất có Điện đạm Dầu khí (DPM)…, ngành thực phẩm có Masan (MSN); ngành đồ uống có Vinamilk (VNM) là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh rất tốt.
Như vậy, dù kinh tế khó khăn, nhưng những cổ phiếu có cơ bản tốt và thuộc những ngành sản xuất ít chịu ảnh hưởng bởi biến động kinh tế vẫn có một năm thành công.
Những cổ phiếu chỉ tăng ít hoặc giảm sâu thể hiện rõ nhất trong ngành chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, thủy sản, sản xuất cao su thiên nhiên. Khó khăn của doanh nghiệp trong các ngành này thể hiện rất rõ nét qua việc lợi nhuận giảm mạnh và triển vọng trung hạn chưa có gì sáng sủa.
Thị trường năm 2014 được dự báo lạc quan và xu thế chung của thị trường là đi lên. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét theo ngành, theo thực trạng tài chính doanh nghiệp và theo mức độ “ưa thích” của giới đầu cơ. Việc tăng - giảm của các nhóm cổ phiếu cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn của thị trường.
Những nhóm cổ phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2014 được dự báo vẫn là cổ phiếu ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và thủy sản. Nợ xấu, tái cấu trúc, biên lợi nhuận thấp và tăng trưởng tín dụng khó khăn sẽ khiến kết quả kinh doanh của ngân hàng khó khả quan. Trong khi đó, chứng khoán cũng khó “có cửa” để đạt lợi nhuận lớn. Ngành thủy sản thì chưa thấy triển vọng sáng sủa, do phần lớn doanh nghiệp trong ngành đang đuối sức, khó mua nguyên liệu.
Ngành sản xuất cao su có thể là một ẩn số. Do giá cao su đã giảm mạnh trong năm qua, nên thị trường có thể phục hồi nhẹ trong năm 2014, kéo giá cổ phiếu ngành này tăng lên.
Cổ phiếu bất động sản có thể có sự phân hóa mạnh. Nhiều doanh nghiệp trong ngành này có thể càng lún sâu vào khó khăn, trong khi những doanh nghiệp thoát hiểm và giá cổ phiếu đang thấp thì có cơ hội phục hồi và bứt phá.
Cổ phiếu của một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong năm 2013 như GAS, VNM, DHG, HPG, HSG, PVD, PPC, DPM… khó có thể lặp lại kỳ tích tăng của năm 2013, do giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này đã đạt mức kỳ vọng.
Cổ phiếu mang lại bất ngờ có thể là nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ, với thị giá hiện chỉ bằng 30 - 50% giá trị sổ sách. Thống kê trong 2 tháng cuối năm 2013 cho thấy, có một tỷ lệ lớn cổ phiếu thị giá thấp đã tăng giá rất mạnh. Những cổ phiếu này trong năm 2014 có thể tiếp tục là những cổ phiếu ưa thích của giới đầu tư.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo