Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII
Cuối giờ sáng nay (23/11), sau khi hoàn thành chương trình làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, hợp tác và trách nhiệm cao trước nhân dân, trong kỳ họp này các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ tham gia tích cực, tâm huyết vào các nội dung của kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri và đồng bào cả nước đặc biệt quan tâm.
Hầu hết nội dung của kỳ họp được tổ chức thảo luận công khai, phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát. Các vị đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các ngành, các cấp và các cơ quan nhà nước hữu quan đã báo cáo trước toàn dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước ngày càng gần dân hơn, công khai hơn, minh bạch hơn.
Tạo chuyển biến tích cực trong năm 2013
Về kinh tế - xã hội, Quốc hội đã dành thời gian phân tích, đánh giá một cách sâu sắc thực trạng tình hình kinh tế - xã hội nước nhà năm 2012 và nhận thấy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013.
Năm 2013 là thời điểm giao thời của một giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Quốc hội xác định nhiệm vụ tổng quát cho năm 2013 là phải tiếp tục phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Đồng thời, Quốc hội đã xem xét, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém và quyết định các chỉ tiêu, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện trong từng lĩnh vực.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai đồng bộ các biện pháp để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các vi phạm pháp luật và tội phạm; năm 2013 tạo chuyển biến tích cực bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thông qua 9 dự án luật quan trọng
Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã thông qua 9 dự án luật quan trọng. Các luật này đã được xem xét một cách thận trọng, với tinh thần đổi mới, bảo đảm sát hợp với thực tiễn cuộc sống. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp có kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo đảm thi hành các đạo luật vừa được thông qua. Đối với Luật phòng, chống tham nhũng, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, đồng thời, Quốc hội cũng xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn lâu dài, có nhiều khó khăn phức tạp.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đưa ra các giải pháp khả thi, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng, bảo đảm cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 6 dự án luật khác, yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức lấy thêm ý kiến các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan và nhân dân để tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội.
Đối với Luật đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã dành thời gian thích đáng thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo. Đây là một dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định, phát triển của đất nước, đời sống của nhân dân và có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, sau kỳ họp này, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có trách nhiệm tập trung hoàn thiện dự thảo luật, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp; nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau.
Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong việc chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp này. Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sửa đổi và ban hành Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quốc hội khẳng định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng của toàn Đảng, toàn dân nhằm bảo đảm cơ sở chính trị - pháp lý cho thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Quốc hội yêu cầu Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp tổ chức thật tốt việc lấy ý kiến nhân dân để chắt lọc cho được tinh hoa trí tuệ, ý chí của toàn dân, chuẩn bị tích cực để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua văn kiện quan trọng này vào kỳ họp cuối năm 2013.
Về hoạt động giám sát
Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai và đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với lĩnh vực này; đồng thời ban hành Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.
Quốc hội đã dành thời gian xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước; tiến hành chất vấn 4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành; Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri cả nước quan tâm và dư luận đánh giá cao.
Trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, Quốc hội ghi nhận cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ trong việc quản lý, điều hành đất nước và triển khai thực hiện các nội dung mà Quốc hội đã quyết nghị tại các kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực hơn để thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước và kỳ họp này một cách có kết quả và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ quan trọng nhất của Nhà nước các cấp được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Việc ban hành Nghị quyết là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm cho Nghị quyết được tổ chức thực hiện tốt trong cuộc sống.
Quốc hội yêu cầu, các ngành, các cấp, các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước nhân dân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc đánh giá tín nhiệm một cách chính xác đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn từ kỳ họp đầu năm 2013.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp, Quốc hội hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc đề ra./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo