Bề nổi FDI và câu chuyện “được - mất”
Năm 2013, Việt Nam chính thức vượt mốc 20 tỷ USD thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một con số đáng mơ ước với nhiều nước đang phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp khó.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế không tỏ ra hào hứng với kỷ lục mới này với quan điểm, chất lượng vốn đầu tư mới thực sự là điều đáng quan tâm. 20 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam gần như không thu được nhiều về kỹ năng quản trị và cũng gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Đó mới thực sự là điều đáng suy ngẫm.
Trong 20 năm qua, tất cả những “ông lớn” trong giới đầu tư quốc tế lần lượt có mặt tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Nokia, Toyota, Mercedes, Coca Cola. Khoảng những năm 1990, trong “cơn khát” vốn đầu tư nói chung, các địa phương đã chào đón họ thực sự như chào đón khách quý với thảm đỏ cùng rất nhiều ưu đãi về thuế và chính sách…
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều khoản lợi nhuận khổng lồ đã chuyển về nước họ, trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu phải trả giá đắt về bài toán môi trường.
Ai cũng biết, bản chất vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không phải là tiền từ thiện. Nhà đầu tư khi bỏ vốn liếng từ nơi xa đến, khảo sát thị trường, xây nhà máy, tuyển nhân công và quản lý sản xuất… đã phải tính toán rất kỹ để thu được lợi nhuận tối ưu.
Và tất nhiên, bao giờ cũng vậy, họ đều tìm đến những thị trường mới nổi và dễ tính để tối ưu hóa lợi nhuận. Ngược lại, nước thu hút dầu tư, trong đó có Việt Nam cũng mong đổi lại từ ưu đãi là kinh nghiệm quản trị và công nghệ tiên tiến hơn hẳn doanh nghiệp trong nước, từ đó tạo môi trường kích thích cạnh tranh, lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước.
Ấy thế nhưng, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta kỳ vọng nhận được đầy đủ từ tác động và sự lan tỏa tích cực FDI mang lại, song hơn 20 năm rồi sự tác động này vẫn chưa rõ rệt”. Dù chuyên gia này không đưa ra con số định lượng cụ thể, song không khó để nhận ra điều đó.
Trong 20 năm, rất nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy tới xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam nhưng công nghiệp phụ trợ gần như chưa phát triển. Mấy chục năm rồi, Việt Nam vẫn trong tình trạng thiếu thợ bậc cao, quản trị dự án và ngay nhà đầu tư ngoại cũng phải chật vật đi tìm đốc công…
Nhân lực trong các nhà máy sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam làm công đoạn nào biết công đoạn đó và gần như không nắm được quy trình sản xuất nói chung… Còn chuyển giao công nghệ thì sao?
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô – Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Qua theo dõi và nghiên cứu số liệu hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài suốt hơn 20 năm qua cho thấy, chưa có đủ bằng chứng đủ thuyết phục cho thấy đã diễn ra quá trình chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam”. Đó là chưa kể những nhà đầu tư khôn ngoan đã nhập khẩu vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường.
Rõ ràng, khi những kỳ vọng về chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị từ các dự án FDI không được như ý thì chất lượng hấp thụ vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được nghiêm túc nhìn nhận lại. Ngay từ khi đánh giá xúc tiến đầu tư, chúng ta đã không đánh giá khả năng lan tỏa của các dự án đầu tư nước ngoài tới nền kinh tế Việt Nam, cả ở góc độ kỹ năng quản trị và chuyển giao công nghệ…
Myanmar - nước có nền kinh tế mới mở cửa được 2 năm nay nhưng ngay từ đầu đã rất kiên quyết trong thu hút dự án. Họ thành lập một Hội đồng giám sát độc lập gồm các chuyên gia nước ngoài xem xét kỹ lưỡng về năng lực nhà đầu tư, khả năng lan tỏa của dự án. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, Hội đồng giám sát đó đã khéo léo từ chối. Bằng cách đó, dù đi sâu trong chính sách mở cửa, đất nước này đang tránh được tối đa “vết xe đổ” của những nền kinh tế đi trước.
Hai thập kỷ là thời gian không dài nhưng đủ để nhìn lại cách thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài một cách thông minh hơn. Ưu đãi là cần thiết nhưng bên cạnh ưu đãi phải là cam kết rõ ràng, kiên quyết nhất là cam kết về chuyển giao công nghệ và tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho các doanh nghiệp Việt Nam vốn đang rất cần kỹ năng quản trị và công nghệ hiện đại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh