Bên trong hộp gỗ 400 năm bí mật
Lưu giữ hơn 400 năm không dám mở ra xem
Ông Nguyễn Văn Tân (64 tuổi, ngụ xóm Ích Mỹ, xã Hậu Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Văn, cho biết: Dòng họ ông vốn có gần 100 sắc phong nhưng đã thất lạc một nửa do chiến tranh loạn lạc. Hiện chỉ còn 43 chiếc, chủ yếu bằng giấy, duy nhất một chiếc bằng lụa gấm.
Tất cả sắc phong này đều được vua Lê phong tặng cho đại thần Nguyễn Văn Giai, người từng làm tể tướng 3 triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông), là bậc khai quốc công thần nổi tiếng chính trực, có công bình định nhà Mạc, đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê - Trịnh. Hiện trên bia mộ ông tại quê nhà vẫn còn khắc rõ đôi câu đối do vua Lê Kính Tông tặng trước lúc ông tạ thế: "Quốc thạch trụ tam triều danh tướng/ Địa giang sơn vạn cổ phúc thần" (Trải ba triều thuộc hàng danh tướng trụ cột của nước nhà/ Vạn năm sau là bậc phúc thần nơi sông núi quê hương).
Riêng sắc phong bằng lụa được xem là bảo vật vô giá của dòng họ nên ít người được trực tiếp chiêm ngưỡng. Có những cụ già 80 - 90 tuổi cũng chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến. Ông Tân giải thích, những người trong họ ông từ khi sinh ra đã được thế hệ trước dặn dò không bao giờ được phép mở sắc phong lụa, nếu không sẽ mắc tội.
“Tôi cũng không biết vì sao tổ tiên lại ra quy định như vậy. Ông bà dặn sao, con cháu cứ tuân thủ vậy. Sau này, một số người trong họ cho rằng, tổ tiên “cấm” vậy do sợ con cháu mở ra gấp vào nhiều làm hỏng mất sắc phong quý giá. Cũng có người nhận định trong sắc phong lụa ẩn chứa một bí mật gì đó nên không cho con cháu xem. Dòng họ tôi đã lưu giữ sắc phong này hơn 400 năm chưa bao giờ mở ra. Cho đến năm 1995 khi đền thờ danh thần Nguyễn Văn Giai của dòng họ được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, chúng tôi mới dám mở sắc phong cho đoàn cán bộ văn hóa nghiên cứu”, lời ông Tân.
Theo ông, ngày mở hộp đựng sắc phong giống như ngày lễ lớn của dòng họ. Tất cả các bô lão đều có mặt thành kính dâng hương xin phép trước bàn thờ tổ tiên. Sau khi hoàn tất các nghi lễ, ông Tân mới cẩn trọng bê tráp nhỏ bằng gỗ lim sơn son thiếp vàng xuống sân, nhẹ nhàng lần giở từng tấm sắc phong.
Người trong họ đều hồi hộp chờ đợi. Khi ông Tân cùng các bô lão trải sắc phong bằng lụa gấm ra tấm vải đỏ, ai cũng kinh ngạc về độ dài của nó. Đạo sắc này là một trong 3 tấm bằng lụa của dòng họ Nguyễn Văn, nhưng hai tấm đã thất lạc do chiến tranh.
Kỷ lục bất ngờ
Năm 2009, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Di sản Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Bảo tàng Hà Tĩnh đã khảo sát di tích đền thờ Nguyễn Văn Giai ở xã Hậu Lộc. “Báu vật” dòng họ bất ngờ được nhận định là sắc phong bằng lụa dài nhất Việt Nam.
Sắc phong dài 4,5m, rộng 0,5m, màu vàng, không có hoa văn, gồm 318 chữ, bố cục theo 63 hàng dọc, 5 hàng ngang, được viết trực tiếp lên lụa, nét chữ viết rất mảnh, thẳng hàng, rõ và đẹp. Qua nghiên cứu, mặc dù phần ghi niên hiệu của đạo sắc nằm ở cuối khổ vải đã bị rách, chỉ còn nửa phần ấn dấu của nhà vua nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được đạo sắc này có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông.
Sau khi nghiên cứu nội dung, các chuyên gia cho biết đây là một dạng "chế" chứ không phải "sắc". Chế cũng là một dạng đạo sắc mà vua hay dùng để ban truyền, phong tặng cho một ai đó (tương tự giấy khen, bằng khen thời nay), nhưng có phạm vi rộng hơn. Chế không bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định như sắc, nhà vua có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của mình đối với nhân vật được ban tặng.
Nội dung chính của đạo sắc này là nhà vua phong chức cho “bậc trụ quốc” (chỗ dựa của đất nước) Nguyễn Văn Giai. Ngoài ra, nhà vua còn khen ngợi Nguyễn Văn Giai là người có tài kinh bang tế thế, giỏi cả văn lẫn võ, bày đặt mưu lược cho nhà vua, giữ yên bờ cõi và thiết lập tình giao hảo với các nước láng giềng. Sinh thời ông cũng là người bộc trực, thẳng thắn, luôn làm theo lẽ phải và lúc nào cũng hết mình vì dân, đề cao chữ đức.
Các nhà nghiên cứu đều nhận định, xét về giá trị văn học thì đây là một bài “chế” giàu giá trị vì mang nhiều cảm xúc chủ quan của người viết.
Về giá trị lịch sử, bài chế đề cập đầy đủ chân dung của một vị danh thần có nhiều đóng góp với triều đình qua nhiều giai đoạn lịch sử. Xét ở góc độ văn hóa, đây là một di sản quý hiếm, cần được nghiên cứu và bảo tồn.
Kẻ trộm “viếng thăm” sắc phong cổ?
Một thành viên họ Nguyễn Văn chia sẻ: “Mỗi năm dòng họ chúng tôi tổ chức hai lần rước sắc phong vào rằm tháng giêng và rằm tháng bảy. Đoàn rước gồm hai kiệu, một để đựng hộp sắc phong, một để rước tượng ngài Nguyễn Văn Giai. Ngoài ra còn có hàng chục người vác cờ và chiêng trống.
Lễ rước bắt đầu từ nhà tộc trưởng, sau đó lên mộ phần của ông nội đến mộ cha mẹ ngài Nguyễn Văn Giai, cuối cùng đến đền thờ của ngài. Năm nào lễ cũng thu hút hàng nghìn con cháu trong dòng họ ở khắp nơi về tham dự. Trong lễ rước, hộp sắc phong được giữ nguyên đặt lên bàn thờ, không ai dám mở ra”.
Trước đây, tất cả các sắc phong được thờ tại đền thờ danh thần Nguyễn Văn Giai, nhưng sau một biến cố, hội đồng gia tộc Nguyễn Văn quyết định chuyển sắc phong về gia đình ông tộc trưởng để thờ và bảo quản. “Đó là năm 1970, có một chàng trai khoảng 25 - 26 tuổi ở nơi khác đến làng tôi làm thuê. Anh ta phải lòng một cô gái trong họ Nguyễn Văn. Bố mẹ cô gái cũng coi anh ta như con rể tương lai nên cho sinh sống trong nhà, đợi ngày tổ chức hôn lễ. Tuy nhiên không ai ngờ anh ta có âm mưu đến trộm báu vật của dòng họ.
Một hôm, anh ta bỗng biến mất không một lời từ biệt. Cùng lúc đó mọi người phát hiện trong đền thờ danh thần Nguyễn Văn Giai bị kẻ gian đột nhập. Hộp đựng đạo sắc lụa bị ai đó giở ra xem, còn phía dưới bức tượng ngài Nguyễn Văn Giai có một hố nhỏ chỉ đủ một bàn tay người thò vào. Chúng tôi nghi ngờ trong hố cất giấu một báu vật bằng vàng hoặc đồng đen và đã bị người thanh niên kia lấy mất”, ông Tân cho hay.
Sau chuyện trên, nhiều người đồn đoán trong đạo sắc lụa cất giấu bản đồ dẫn đến kho báu. Người thanh niên kia biết tin mới tìm cách tiếp cận dòng họ để đột nhập đền thờ xem đạo sắc và trộm báu vật. Nhưng một thời gian sau, có tin anh ta vào đến Quảng Bình thì chết, còn báu vật lưu lạc đâu không ai biết. Từ đó dòng họ Nguyễn Văn đem đạo sắc lụa cùng các đạo sắc khác về cất giữ tại nhà ông tộc trưởng.
Trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện đậm màu truyền thuyết về đại thần Nguyễn Văn Giai. Tương truyền, cha mẹ ông Giai cưới nhau hơn 10 năm không có con. Một ngày có một ông lão xưng là thầy địa lí đến xin ngủ nhờ một đêm. Thấy vợ chồng chủ nhà hiền lành tốt bụng, tiếp đãi chu đáo, ông lão bày cho cách có con: Chọn một đêm trăng sáng đến giếng Trang trong vùng, chờ đến khi có ngôi sao rơi xuống giếng thì lấy nước uống, ắt sẽ sinh được người con tài giỏi.
Tuy bán tín bán nghi nhưng vợ chồng vẫn làm theo. Đêm đó người vợ một mình đi gánh nước bỗng nhiên thấy một ngôi sao rơi xuống giếng, bà vội múc nước giếng uống, không lâu sau mang thai và hạ sinh một người con trai mặt mũi khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Văn Giai.
Điều lạ, khi Giai được sinh ra bỗng nhiên trên trời rớt xuống bảy ngôi sao tạo thành bảy ụ đất gần nhau (hiện nay vẫn còn ụ đất được cho là dấu tích ở quê nhà). Lớn lên Giai nổi tiếng thông tuệ, có khí chất hơn người. Năm tuổi đã biết chữ, chín tuổi biết làm văn, sau này trở thành đại thần trụ cột của 3 triều vua Lê./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo