Bệnh sởi bùng phát: Bộ Y tế chủ quan, vào cuộc chậm?
Con số 5.000 bệnh nhân sởi ngày 15.4 đã nhanh chóng lỗi thời bởi chỉ 1 ngày sau đó, số trẻ mắc bệnh đã lên tới 7.000 ca. Chỉ còn 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng chưa xuất hiện ca bệnh. 108 ca tử vong là con số lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Lần đầu tiên sau hơn 4 tháng bệnh sởi bùng phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới trực tiếp tới "điểm nóng" BV Nhi T.Ư. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng Bộ trưởng Bộ Y tế đã vào cuộc quá muộn?
Bộ nói dịch giảm, ca bệnh mới vẫn tăng chóng mặt!
Sáng 16.4, khi có mặt tại Bệnh viện Nhi T.Ư, PV Báo Lao Động đã chứng kiến một cháu bé 1 tuổi ở huyện Văn Giang, Hưng Yên tử vong sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư được về nhà. Người bố bế con mà mặt không còn hột máu, mẹ cháu vẫn ngất lên ngất xuống trước nỗi mất mát quá lớn. Bà cháu bé cho biết: Bé nhập viện bị viêm phế quản, nhưng trong thời gian ở BV đã bị sởi, rồi biến chứng vào phổi và đã không qua khỏi. Điều đó có nghĩa là, từng ngày số mắc và số tử vong đều tiếp tục gia tăng.
Cách đây 1 tuần, trong cuộc họp giao ban trực tuyến với các tỉnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết bệnh nhân mắc sởi mới đang giảm dần. Ngày 16.4, trả lời báo chí, TS Nguyễn Văn Kính - GĐ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư - khẳng định: Dịch vẫn đang được kiểm soát. Các chuyên gia đều cho biết: Chưa có biến chủng, độc lực của virus chưa thay đổi. Thế nhưng, cũng chưa ai lý giải được lý do vì sao đột nhiên năm nay lại có nhiều ca biến chứng nặng và tử vong do sởi nhiều nhất trong vòng 10 năm qua như vậy.
Ba lý do như bộ trưởng và các quan chức thống nhất đưa ra là: Các cháu bị nhẹ nhưng vào BV bị lây nhiễm các bệnh khác trên cơ thể bị suy giảm miễn dịch do sởi; hoặc trên nền có bệnh tim, rối loạn chuyển hóa khác... Hoặc lý do thời tiết nóng lạnh không ổn định, thuận lợi cho virus sởi phát triển mạnh. So sánh với vụ dịch năm 2009 - 2010, số mắc còn nhiều hơn năm nay, nhưng chỉ có 4 ca tử vong. Chắc chắn 3 lý do được Bộ Y tế đưa ra nói trên vẫn... thế.
Vậy sao số ca tử vong năm nay đột biến như vậy, chưa chuyên gia nào có câu trả lời thấu đáo. Như vậy, cả về số lượng mắc, số tử vong, tính chất “nguy hiểm” của dịch sởi năm nay dường như đều diễn biến không thuận theo những tiên lượng của các chuyên gia dịch tễ học dày dạn nhất ở Việt Nam. PGS-TS Phạm Nhật An - PGĐ, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi T.Ư - đã nhận định: “Đã 40 năm làm về bệnh truyền nhiễm, chưa năm nào tôi gặp dịch sởi như năm nay”.
Bộ Y tế chậm trễ?
Dập dịch như cứu hỏa. Đặc biệt là khi đối diện với một loại dịch bệnh có diễn biến khó lường như bệnh sởi năm nay thì chỉ có sự vào cuộc nhanh chóng, tập trung của hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn và của chính người dân mới có thể khống chế dịch được nhanh chóng. Điều đó, Việt Nam đã trải nghiệm nhiều lần với những thành công khống chế các dịch SARS, đại dịch cúm A/H1N1 và H5N1... Nhưng dường như, với dịch sởi, vốn được xếp vào loại B - không phải là dịch A tối nguy hiểm, Bộ Y tế đã chủ quan, và do đó đã không có những động thái khẩn trương dập dịch.
Hơn 2 tháng qua, BV Nhi T.Ư căng người để điều trị bệnh nhân sởi, họ kê thêm giường, lấy phòng của bác sĩ cho bệnh nhân nằm, xin máy thở ở nơi khác, tăng cường điều dưỡng chăm sóc. Ngày 3 - 4.4, BV Nhi T.Ư đã cầu cứu Bộ Y tế vào cuộc giải quyết cho sự quá tải này. Bởi thậm chí BV còn bị bệnh nhân kiện vì con họ vào BV điều trị bệnh khác, nhưng lại bị nhiễm sởi trong BV.
Nhưng Bộ Y tế cũng chỉ có 1 văn bản chỉ đạo hết sức chung chung khiến tình thế không có chuyển biến nào đáng kể. PGS-TS Phạm Nhật An đã phải kêu cứu báo chí một lần nữa, khi mời các phóng viên tận mắt vào chứng kiến sự quá tải của khoa Truyền nhiễm và đưa lên công luận. Chưa đủ. Chỉ đến khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nắm bắt được những lo lắng của dư luận về dịch sởi trên cộng đồng mạng và báo chí, ông đã có quyết định đột xuất trực tiếp đi thăm các bệnh nhi và thị sát việc điều trị của BV Nhi T.Ư.
Và một ngày sau, Bộ trưởng Bộ Y tế mới trực tiếp tới điểm nóng của dịch sởi để tận mắt nhìn thấy các cháu đang điều trị ra sao. Đây cũng là cuộc làm việc để Bộ Y tế phân công cho một số BV tuyến TP ở Hà Nội chia lửa cho BV Nhi T.Ư, nhằm giảm tải, và cũng giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Phóng viên đã đặt câu hỏi thẳng thắn với Bộ trưởng: Vì sao bây giờ Bộ Y tế mới yêu cầu các BV chia lửa như vậy. Bộ trưởng đã trả lời: Chúng tôi đã có công văn tới các BV từ 2 tháng trước rồi!
Các công văn này có thể giải quyết được gì trong việc dập dịch? Có lẽ không, nên bộ trưởng đã phải triệu tập GĐ các BV: Saint Paul, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Sơn Tây... Theo đó, BS ở các BV: Nhi T.Ư, Bệnh Nhiệt đới T.Ư sẽ xuống các BV tuyến TP nói trên hỗ trợ các BV của Hà Nội đón và điều trị bệnh nhân sởi. Như vậy, người dân mới yên tâm đưa con em mình bị sởi đến các BV tuyến TP, giảm tải cho tuyến T.Ư.
Con số 7.000 ca mắc sởi tính đến ngày 16.4, cũng như 108 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, 25 trường hợp được tách ra là do chỉ một bệnh sởi đều chưa phải là con số tổn thất cuối cùng trong vụ dịch này. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã nói ngày 16.4: “25 cháu tử vong là quá đau đớn”. Mong rằng, muộn còn hơn không. Bằng những động thái tích cực trong những ngày tới của Bộ Y tế, dịch sởi hy vọng sẽ sớm được khống chế để dư luận xã hội không phải lo lắng, băn khoăn như những ngày vừa qua.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo