Bệnh tay chân miệng: Chết oan vì nhầm
Chỉ trong ba tháng đầu năm tại An Giang có bốn trường hợp tử vong do tay chân miệng. Theo đại diện bệnh viện đa khoa tỉnh, số ca tử vong cao trong khi dịch chưa vào mùa là do hệ thống điều trị yếu kém.
Hai trong bốn ca tử vong có nguyên nhân từ chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác của bệnh viện tuyến huyện.
Người đứng đầu Bộ Y tế, trong cuộc họp với lãnh đạo ngành y tế 20 tỉnh thành phía Nam hôm qua (5-4), đã kêu gọi bằng mọi giá phải giảm tỷ lệ tử vong. |
Ghi nhận của lãnh đạo bệnh viện tỉnh An Giang, chẩn đoán nhầm ở tuyến huyện là do bệnh cảnh của bệnh tay chân miệng rất khó phát hiện, có những biểu hiện tương tự các bệnh khác, trong khi chuyên môn của bác sĩ tuyến dưới chưa cao, chưa được tập huấn tốt.
Tại tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay có gần 600 ca mắc tay chân miệng. Hầu hết ca bệnh ở tuyến dưới đều được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị vì “thiếu trang thiết bị, yếu chuyên môn”.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến-Phó khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nghiên cứu 153 ca trong tổng số 169 trường hợp tử vong do tay chân miệng năm 2011, cho thấy tuổi trung bình mắc và tử vong do dịch bệnh này là dưới 3 tuổi.
“Trong 153 ca tử vong có 40 ca chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, sốt xuất huyết, viêm màng não, sốc nhiễm trùng”. Hầu hết các ca chẩn đoán nhầm là do cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên” – bác sỹ Tiến nói.
Đó là chưa kể khi điều tra bệnh sử 153 trường hợp tử vong do tay chân miệng, bác sĩ Tiến ghi nhận 24 trường hợp chuyển viện không an toàn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh-Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cùng quan điểm khi cho biết, do bệnh viện tuyến dưới không có trang thiết bị nên nhát tay điều trị. Không ít bệnh nhi bị tay chân miệng được chẩn đoán chung chung là viêm phổi, nhiễm trùng.
Quyết liệt giảm tử vong
Ông Trần Thanh Dương-Cục phó Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, 63 tỉnh thành đã có dịch bệnh tay chân miệng, trong đó 10 tỉnh có tỷ lệ mắc cao nhất là Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hòa Bình và Hậu Giang.
Riêng miền Nam ghi nhận 9.337 ca mắc tay chân miệng, chiếm 43,8% cả nước, đồng thời đứng đầu về số trường hợp tử vong với 13 ca
.
Ông Dương dự báo dịch tay chân miệng năm nay sẽ phức tạp bởi nhiều tuýp virus gây bệnh, trong khi năng lực chẩn đoán, điều trị cũng như trang thiết bị còn hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ thị: “Từ nay đến tháng 9 phải giảm một nửa số ca tử vong so với năm 2011”.
Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện quyết liệt điều trị theo phác đồ mà Bộ ban hành, đồng thời yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối gồm Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhiệt đới Trung ương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, thành lập ngay các đơn vị huấn luyện điều trị bệnh tay chân miệng và phân tuyến điều trị phù hợp bằng cách sàng lọc bệnh từ đầu, tiếp đến mới điều trị tích cực.
“Điều dưỡng, bác sĩ phải túc trực thường xuyên ở bệnh nhi mắc tay chân miệng, không thể lơ là như thời gian qua”- bà Tiến nói.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024