Bị cấm, dịch vụ đổi tiền lẻ hùa nhau lên mạng
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Dù vậy, dịch vụ này vẫn công khai chào bán trên Internet.
Theo văn bản của NHNN, trong những năm qua, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ (đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng) trong dịp Tết Nguyên Đán ngày một tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với NHNN nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.
Số tiền mệnh giá nhỏ này chỉ một phần dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.
Qua khảo sát của NHNN, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không hợp lý của người dân ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự (chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra)… còn phổ biến.
Tiền mệnh giá nhỏ được đặt một cách tùy tiện, rải khắp các khu vực trong các đền, chùa, khu vực lễ hội tâm linh tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiền mệnh giá nhỏ được sử dụng không hợp lý, đúng chức năng gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.
Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, lễ hội. Trên thực tế, trong suốt cả năm đặc biệt là dịp Tết và lễ hội, một số người dân bày bán (đổi) tiền mệnh giá nhỏ công khai tại các khu vực đền, chùa, lễ hội để hưởng chênh lệch.
Nhằm hạn chế những tiêu cực xảy ra đối với hình thức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, góp phần khuyến khích người dân tham gia lễ hội gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân gian, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho xã hội, tại các văn bản này NHNN đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an quan tâm chỉ đạo các cơ quan của đơn vị mình ở địa phương phối hợp cùng NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội.
Theo lý thuyết, người dân có nhu cầu tiền lẻ có thể đến đổi tại các ngân hàng. Tuy nhiên, do cầu tiền lẻ lại tăng đột biến vào dịp Tết, chủ yếu sử dụng vì mục đích tín ngưỡng chứ không phải vì mục đích thanh toán, nguồn tiền lẻ của ngân hàng lại có hạn, nên người dân thường tìm đến các dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch. Chính vì vậy, dịch vụ này, dù phạm pháp song đã ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua.
Hiện tại, dù NHNN đã có công văn "đe dọa" xử lý, song theo quan sát của chúng tôi, dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch vẫn công khai hoạt động tại các đền chùa. Có thể, vào thời điểm sát Tết, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, lực lượng này sẽ rút vào hoạt động bí mật.
Tuy nhiên, trên mạng, dịch vụ đổi tiền lẻ lại diễn ra rầm rộ hơn so với trước. Chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền lẻ", người dân có thể tìm thấy dịch vụ này ở rất nhiều các website thương mại điện tử, facebook, các diễn đàn xã hội, thậm chí nhiều cơ sở còn thành lập website riêng về đổi tiền.
Mức chênh lệch các cơ sở dịch vụ này thu về rất lớn, tùy thuộc từng loại tiền, thường là 10 đổi lấy 7 hoặc 8. Cá biệt, với loại tiền 500 đồng, có thời điểm giá chênh lệch là 2 ăn một (100.000 đồng chỉ đổi được 50.000 đồng), một con số siêu lợi nhuận.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Cột tin quảng cáo