Bị đá đè gãy cổ, tính mạng chàng trai dân tộc Thái nguy kịch
“Lại thêm một ca bệnh là người dân tộc, tiền ăn cũng không có nổi nói gì đến tiền chữa bệnh. Bệnh nhân là em Hà Văn Yên 22 tuổi, người dân tộc Thái ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu bị đá đè vào cổ khi đang đi làm nương và chuyển cấp cứu bệnh viện Việt Đức hôm 2/9. Cả gia đình đi vay được tất cả 5 triệu nộp viện phí, còn chẳng có gì cả. Chị để ý bệnh nhân cũng không có tiền ăn, đến bữa có khi nhịn, có khi được mọi người cho thì ăn, nhìn tội quá” – Chị Nguyễn Hoàng Anh, điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, bệnh viện Việt Đức trải lòng về bệnh nhân nghèo của mình.
Không nói được, cơ thể cũng không cử động được, vào thăm Yên, tôi chỉ thấy mắt em ươn ướt. Em hiểu được tiếng Kinh nên khi được động viên “Phải cố gắng lên, rồi mọi người sẽ giúp cho em”, hai hàng nước mắt em chảy ra… Chỉ cần thế thôi, tôi biết em xúc động và biết ơn lắm bởi gia đình nghèo, không có tiền chạy chữa. Bố của em đã tính đến chuyện đưa con về nhà để chấp nhận cái chết.
Em Hà Văn An là em trai của Yên cũng ngẩn ngơ ngồi phía bên ngoài, gương mặt thẫn thờ, lo lắng trước tai nạn của anh: “Anh Yên đi làm nương thì đá từ trên núi rơi xuống đè vào cổ anh ấy, người dân trong bản thấy thế nên cho đi viện tỉnh Lai Châu nhưng mà nặng quá nên bác sĩ cho xuống đây luôn. Giờ anh ấy không nói được, chỉ thấy nhìn em và khóc thôi”.
Hoàn cảnh đáng thương của Yên khiến các bác sĩ trong khoa Phẫu thuật cột sống ai cũng ái ngại. Là người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Trung cho biết: “Bệnh nhân bị đá rơi xuống đè vào cổ để lại nhiều tổn thương vô cùng nghiêm trọng. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu bệnh nhân ngay lập tức được đặt ống nội khí quản sau đó chuyển gấp xuống Việt Đức.
Tai nạn khiến bệnh nhân bị trật 2 đốt sống C7 và T1, không những thế 2 đốt sống này còn bị đan cài vào nhau nên việc phẫu thuật sau này là rất phức tạp. Tình trạng hiện tại, chức năng hô hấp của bệnh nhân kém, bệnh nhân có chỉ định mổ để nắn chỉnh trật đốt sống, giải phóng chèn ép thần kinh nhưng bệnh nhân còn yếu, tiếp nữa là bệnh nhân cũng chưa có tiền để đóng.
Với tình trạng như hiện tại, bệnh nhân Yên sẽ phải điều trị 1 thời gian rất dài với chi phí vô cùng tốn kém bởi bảo hiểm chỉ chi trả 1 phần thôi. Vì thế rất mong được mọi người giúp đỡ, cùng chúng tôi cứu sống tính mạng của em ấy, em Yên còn trẻ quá, còn cả quãng đời phía trước”.
Không hiểu nhiều tiếng Kinh, cũng không biết cụ thể bệnh tình của con trai ra sao, chú Đôi chỉ thấy con nằm yên, không nói được, không ăn được thì khóc thương con. Tội nghiệp, người bố dân tộc, cả đời chưa bước chân ra khỏi bản làng, lần này được lên thủ đô nhưng trong tình thế bắt buộc vì con phải cấp cứu. Chú bảo: “Sợ nó chết, thương nó lắm” rồi lại bật khóc nức nở như một đứa trẻ ngoài hành lang của khoa Phẫu thuật cột sống.
Chặng đường chữa bệnh của em còn dài để có thể trở về được với núi rừng, với những nương, những rẫy, tiếp tục mưu sinh. Chàng trai của bản, làng khỏe lắm, vượt rừng, vượt núi băng băng … ấy vậy mà giờ phải chấp nhận nằm im chờ chết nếu như không được ai giúp đỡ. “Cứu anh của em với, các chị ơi. Anh ấy mà chết, bố mẹ của em cũng chết mất thôi”- Lời cầu xin của An cứ văng vẳng trong đầu tôi như một nỗi ám ảnh mãi không dứt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng