Tin tức - Sự kiện

Bi hài chuyện xin bệnh viện về... chết

Đã là bác sĩ ai cũng muốn làm mọi cách để cứu chữa bệnh nhân. Tuy nhiên, không ít trường hợp bác sĩ vừa chữa bệnh, vừa phải đấu tranh với thầy bói, điều đình với người nhà để giữ sự sống cho bệnh nhân.

Các bác sĩ luôn nỗ lực hết sức cứu chữa bệnh nhân (ảnh minh họa).

Xin về chết vì “thầy bói bảo”

 
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, ông đã từng cứu chữa cho một bệnh nhân ngoài 80 tuổi (Hà Nội) bị tai biến nhẹ. Trước đó, bà bị mệt nằm ở nhà cả tháng, đến lúc mệt nặng gia đình mới đưa đi viện. Sức khỏe của bà yếu nhưng chưa phải thở máy. Sau vài tuần điều trị, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, một buổi tối con trai bệnh nhân vào xin bác sĩ Duệ được đưa mẹ về nhà. Bác sĩ Duệ rất ngạc nhiên vì nếu về ngay thì các di chứng tai biến khó có thể phục hồi. Càng thuyết phục, con trai bà cụ vẫn khăng khăng “xin về”. 
 
Đến lúc không giấu được, anh ta mới buột miệng kể: Chị gái và vợ vừa đi xem bói. Ông thầy phán rằng mẹ anh ta không thể qua nổi 2 giờ đêm nay nên muốn xin cho mẹ về nhà… chết. “Tôi bật cười, cho anh ta biết, theo tình hình sức khỏe, bà cụ không thể chết trong đêm nay được. Đồng thời tôi phải mang cả danh dự của mình ra đảm bảo thì mới giữ cụ ở lại được”- bác sĩ Duệ cho biết. Sau đó, bà cụ đã phục hồi và ra viện, sống tới 95 tuổi mới quy tiên. 
 
Một bác sĩ khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức cũng vừa “năn nỉ” một ông bố để xin cứu chữa cho con ông ta. Bệnh nhân là một nam thanh niên mới ngoài 20 tuổi, bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Tuy tính mạng phải đặt cược với thần chết 50/50 nhưng các bác sĩ bảo, còn nước còn tát. Nghe bác sĩ tư vấn như vậy, ông bố liền nằng nặc xin cho con trai về. Ông ta thẳng thắn nói rằng ông đã bấm số, thằng út sẽ “gánh rủi ro” cho cả gia đình nên chắc khó qua được. Hoặc có sống cũng thành tật nên trước khi tiêu tốn tiền của, làm khổ gia đình thì nên đưa về. Hóa ra, ông ta làm nghề thày bói, lại sinh được 3 con trai nên nhất định cho rằng “phải có một thằng gánh họa cho cả nhà". Bác sĩ nói khó thế nào, ông ta cũng nhất định đưa con về. “Nhìn người thanh niên mới ngoài 20 phải về đợi chết, tôi thực sự khổ tâm nhưng chẳng biết làm thế nào”- vị bác sĩ này tâm sự. 
 
7 con "đồng tình" xin để bố chết
 
Trong hàng chục năm làm nghề, bác sĩ Duệ vẫn nhớ câu chuyện về 7 đứa con ngày lại ngày vào năn nỉ bác sĩ cho bố về nhà chết. Bệnh nhân là một cụ già mới gần 70 tuổi. Do bị tai biến mạch máu não nhẹ, ông phải nằm một chỗ. Được ít lâu ông bị thêm bệnh viêm phổi cấp nên các con đưa ông vào viện. Bệnh nhân rất đông con cháu, 1-2 ngày đầu người nhà cứ nườm nượp ra vào. Tuy nhiên, điều trị được 3 ngày thì bỗng nhiên các con lại nằng nặc xin cho bố về nhà. Bác sĩ Duệ vừa thuyết phục vừa kiên quyết từ chối yêu cầu của các con cụ vì bệnh đang điều trị dở dang. 
 
Không được sự đồng ý, ngày nào các con cụ cũng chầu chực ở cửa phòng bác sĩ, hết người nọ đến người kia đến xin cho bố về. Viện phí điều trị cho bố cũng không nộp. Bác sĩ Duệ nhớ lại: “Đến ngày thứ 3, chịu hết nổi cảnh các con cứ xin cho bố về nhà, mà đã về là chỉ chết, tôi đã gọi con cụ vào hỏi chuyện. Hóa ra, cụ sinh được tới 7 người con, 5 trai, 2 gái. Nhưng con nào cũng bảo khó khăn, chỉ làm ruộng nên không có tiền điều trị lâu dài cho bố. Cấp cứu bố vào viện cho “đúng phận làm con” chứ không thể lo lâu dài được”. 
 
Khi bác sĩ hỏi vặn, viện phí cũng chưa nộp thì làm sao đã hết tiền, thì người con cho biết: Người đi theo đông nên chi phí ăn uống rất nhiều. Bác sĩ Duệ đã phải khuyên bảo các con gom tiền lại nộp viện phí cho bố, rồi về bớt, chỉ để lại một người trông bố cho đỡ tốn kém. Bệnh của bố điều trị không khó, có thể khỏi hẳn, về sau vẫn có thể sống khỏe mạnh cùng con cháu. Ông đã sinh thành dưỡng dục 7 con, các con nên cùng góp sức, góp tiền báo hiếu bố. Nói tình, nói lý mãi, các con bệnh nhân cũng nghe ra. Sau đó, bệnh nhân đã khỏe mạnh. 
 
Nhiều lần, khi không cho bệnh nhân xuất viện, bác sĩ Duệ đã bị người nhà đe dọa: “Các ông thích giữ thì giữ, không cứu được thì biết tay tôi”, hoặc “tôi không có tiền, ông thích cứu thì đi mà bỏ tiền ra”. “Đối với những trường hợp như vậy, dù rất buồn nhưng các bác sĩ cũng không thể làm được gì. Vì quyền khám chữa bệnh là quyền của người bệnh và người nhà của họ, bác sĩ không thể quyết thay họ được” – bác sĩ Duệ phân trần. 
 
Bác sĩ Lương Quốc Chính – khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều hoàn cảnh bệnh nhân cũng thực sự khó khăn nên phải xin về chờ chết. Mới đây, có một bệnh nhân nam mới hơn 40 tuổi (quê ở Hà Nam) bị xuất huyết não phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân qua cơn hôn mê. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải mổ, nút mạch để chống chảy máu não tiếp. Tiền viện phí có thể lên đến 150 triệu đồng, bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế. Người vợ đành xin bệnh viện cho chồng về. Lại có bệnh nhân bị sỏi đường mật dẫn đến nhiễm trùng máu. Ca mổ cũng sẽ tốn kém gần 100 triệu đồng, bệnh nhân cũng không có bảo hiểm y tế. Gia đình làm ruộng chỉ gom góp được 20 triệu đồng nên cũng xin về. 
Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo