Bi kịch của thâu tóm doanh nghiệp
Nhiều kiểu thôn tính
Về góc độ thâu tóm, Việt Nam cũng như thế giới thường có hai hình thức cơ bản là thâu tóm thân thiện (friendly) và thâu tóm thù địch (hostile).
Thâu tóm thân thiện là các cổ đông, nhà quản trị của hai bên cùng nhìn thấy lợi ích khi bắt tay hợp tác với nhau nên họ tham gia mua cổ phần với sự đồng ý của bên kia hoặc công khai minh bạch. Còn đối với thâu tóm thù địch, bên thâu tóm dùng tiền âm thầm mua vào để thôn tính doanh nghiệp khác vì họ nhìn thấy có lợi ích khi sở hữu doanh nghiệp này.
Thông thường, đối với hình thức chào mua công khai, nếu hội đồng quản trị hiện hữu tự động rút lui thì mọi chuyện diễn ra đơn giản. Ngược lại, sẽ xảy ra “chiến tranh” tại đại hội cổ đông khi thực hiện bầu bán.
Đối với trường hợp của Công ty Xây dựng Công nghiệp - Descon (DCC), việc bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị đã dẫn đến số lượng thành viên hội đồng quản trị mới thuộc về bên thâu tóm chiếm tỉ lệ áp đảo. Cuối cùng, vị chủ tịch cũ đã “mất ghế”. Đó cũng là bài học sâu sắc cho phía bị thâu tóm. Vì vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp có nguy cơ bị thâu tóm tìm nhiều cách kéo dài việc tổ chức đại hội cổ đông, tìm cách giữ chân các thành viên hội đồng quản trị để đối phó.
Hoạt động thâu tóm theo kiểu thù địch thường nhắm đến sự thay thế các thành viên hội đồng quản trị để đạt đến tỉ lệ quá bán, là thực hiện theo hình thức đối nhân chứ không phải là đối vốn. Cũng chính vì vậy mà có những trường hợp phía thâu tóm không nhất thiết phải nắm giữ trên 51% cổ phần khi họ đã có sẵn người trong hội đồng quản trị. DCC là trường hợp điển hình.
Thâu tóm thù địch thường gây hại
Theo thống kê của Thomson, một tổ chức uy tín trên thế giới, trong số hơn 23.000 công ty đã từng bị thâu tóm, hoạt động thâu tóm thân thiện rất phổ biến, trong khi thâu tóm thù địch diễn ra không nhiều. Nhưng điều đáng nói là kết quả thống kê của Thomson cho thấy giá trị của các công ty sau thâu tóm theo hình thức thân thiện thường được gia tăng, trong khi với cách thâu tóm theo kiểu thù địch thì giá trị công ty sụt giảm rất nhiều.
Thực tế, tại Việt Nam cũng đã diễn ra hiện tượng này. Chẳng hạn, sau vụ thâu tóm Công ty Cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) của Tập đoàn Kinh Đô, dù lãnh đạo Tập đoàn Kinh Đô đã từng lên tiếng “mua doanh nghiệp là phải biết cách làm sao để phát triển doanh nghiệp đó” và dự kiến doanh số của Tribeco sẽ tăng 30% và sau ba năm sẽ lên 100% nhưng đến nay, Tribeco thua lỗ triền miên và cổ phiếu đang nằm mức rẻ nhất trên sàn với giá chỉ 1.900 đồng/cổ phiếu.
Đáng nói hơn là số phận Tribeco dường như đang thay đổi, khi mới đây, một thành viên hội đồng quản trị đã chào mua công khai 25% vốn của công ty này. Hay sau khi DCC bị thâu tóm thì vi phạm công bố thông tin liên tục, cổ phiếu bị buộc hủy niêm yết và sau đó cũng đã thay chủ tịch hội đồng quản trị… Hậu quả bi thương này gần như đổ hết lên đầu cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài. Đây có thể là lời cảnh tỉnh cho nhà đầu tư muốn mua vào những công ty đang trong tầm ngắm của sự thâu tóm…
Phần lớn hình thức thâu tóm thù địch thường là phục vụ lợi ích riêng cho nhóm đó chứ không phục vụ lợi ích của công ty cũng như các cổ đông bên ngoài
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo