Bi kịch người mẹ nghèo nuôi hai con bệnh nặng
Khổ nhất thôn
Đến đầu thôn Thọ Cầu, chúng tôi hỏi thăm về gia đình chị Sợi thì không ai là không biết đến hoàn cảnh éo le của chị. Vừa bước chân vào cổng, chúng tôi đã nghe thấy những tiếng khóc từ trong nhà vọng ra. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là người phụ nữ 42 tuổi dáng vẻ gầy gò, khuôn mặt khắc khổ đen sạm đang rửa mặt cho con gái lớn.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn vừa mới được sửa sang lại, vừa rót nước mời khách chị Sợi, vừa tâm sự: “Chồng mất sớm khi tôi đang mang thai người con thứ hai được ba tháng, một mình chị phải bươn trải đủ thứ nghề để nuôi hai con khôn lớn”.
Theo lời chị Sợi, chị sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ đều làm nông, quanh năm chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nên cuộc sống vất vả từ bé. Năm 19 tuổi, chị kết duyên với anh Nguyễn Văn Tứ (SN 1971) ở làng bên. Sau khi kết hôn được vài năm, vợ chồng chị Sợi dắt nhau vào Lâm Đồng để làm ăn. Dù phải sống trên miền đất lạ nhưng anh chị vẫn động viên nhau cùng xây dựng nên một gia đình nhỏ bé hạnh phúc.
Năm 1996, vợ chồng hạnh phúc khi đón con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh. Nhưng niềm vui không trọn vẹn, khi sinh ra cháu Thanh đã mắc bệnh thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Dù anh chị cố gắng vay mượn mọi nơi để chữa chạy cho con nhưng tất cả đều vô vọng.
Mặc dù, năm nay đã 20 tuổi nhưng trông Thanh như đứa trẻ mới lên 5. Em không nhận thức được điều gì, chỉ ngồi im một chỗ, thẫn thờ, ngây ngô đến nhói lòng. Mọi sinh hoạt cá nhân của em đều phải nhờ vào đôi bàn tay của mẹ. Em cũng không biết nói, suốt ngày chỉ ú ớ và ngồi khóc.
Nỗi đau này chưa nguôi ngoai, nỗi đau khác ập tới, khiến chị Sợi gục ngã. Khi chị mang bầu con thứ hai được 3 tháng thì anh Tứ qua đời vì căn bệnh sốt rét. Từ khi chồng mất, chị mất đi chỗ dựa vững chắc, mất đi người mà chị than thở mỗi lúc yếu lòng, cảnh nhà đã khó lại càng thêm túng quẫn. Sau khi an táng cho chồng nơi đất khách quê người, chị tay xách nách mang đưa con trở về quê sinh sống.
Nỗi đau cứ thế nhân lên, chị “đứt từng khúc ruột” khi cháu Nguyễn Lâm Đồng (SN 2003) chào đời cũng mắc phải căn bệnh thiểu năng trí tuệ. Gánh nặng lại đè lên đôi vai chị với biết bao lo âu, suy tư về cuộc sống trước mắt của mình. Cái tên Nguyễn Lâm Đồng được chị Sợi đặt cho con trai để nhớ về vùng đất Lâm Đồng, nơi mà cho chị chỉ toàn niềm đau. Rồi có những lúc, chị tưởng như đã mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống.
Chưa một lần được nghe tiếng gọi “mẹ ơi!”
Chị đã khóc cạn nước mắt để thương cho số phận của mình, thương cho hai đứa con bé bỏng sinh ra đã mồ côi cha và cũng không được khỏe mạnh như người bình thường. Có những lúc mệt mỏi rã rời, không còn chút sức lực chống chọi với bao nghiệt ngã của số phận, chị muốn buông xuôi tất cả, nhưng vì hai con mà chị lại gặng gượng sống.
Lau vội những giọt nước mắt trên đôi mắt đỏ hoe, chị Sợi buồn rầu: “Bao nhiêu năm qua, tôi chưa được nghe tiếng “mẹ ơi” trọn vẹn từ các con. Cháu gái lớn thì chỉ ú ớ được vài tiếng, còn cháu trai thì không nói được”.
Trong hai chị em thì cháu Đồng có phần nhanh nhẹn, nhận thức tốt hơn chị một chút. Những lúc tỉnh táo Đồng thường giúp mẹ trông coi chị gái, đưa chị đi chơi bằng chiếc xe lăn. Có lẽ, trong trái tim non ớt ấy, phần nào Đồng cũng hiểu được nỗi khổ của mẹ.
Mỗi ngày trôi qua, chị Sợi lại tiếp tục ngược xuôi với gánh mưu sinh oằn nặng trên vai. Việc nhà, đồng ruộng, chăm sóc các con chiếm gần trọn quỹ thời gian của chị, vì thế số tiền kiếm được hàng ngày cũng chẳng đáng là bao. Hàng tháng, mẹ con chị Sợi phải dựa vào số tiền trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống.
Nói đến hoàn cảnh của chị, người dân nơi đây ai cũng xúc động, nghẹn ngào. Cụ Hợi (người cùng thôn) cho biết: “Cứ nhắc đến mẹ con chị Sợi, tôi lại thấy xúc động. Quanh đây ai cũng thương cho số phận éo le của ba mẹ con. Chồng mất sớm, một mình chị Sợi phải chăm sóc hai đứa con thơ dại. Chúng tôi cũng nghèo khó nên không giúp được nhiều, thỉnh thoảng sang động viên chị Sợi cố gắng sống để nuôi hai con”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tất Tiên, Trưởng thôn Thọ Cầu chia sẻ: “Gia đình chị Sợi là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất của thôn. Chính quyền địa phương rất tạo điều kiện quan tâm đến gia đình chị Sợi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu cuộc sống cho gia đình”.
Rời gia đình chị Sợi, chúng tôi đau đáu câu nói của chị: “Tôi có tội gì đâu mà ông trời lại bắt những đứa con của tôi phải sống kiếp người như thế này?”. Hiện tại, gia cảnh chị Sợi đang rất khó khăn. Mong lắm những tấm lòng hảo tâm gần xa chung tay giúp người mẹ nghèo và bất hạnh này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo