BIDV trồng cỏ trên đất vàng, Hà Nội còn run sợ đến bao giờ?
Quản lý yếu kém, bỏ hoang đất “vàng”
Ngày 25/12/2002, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 8917/QĐ-UB thu hồi 3.344m2 đất tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội để giao cho Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thăng Long (BIDV Thăng Long) thuê để xây dựng văn phòng làm việc cao 13 tầng và giao dịch với thời hạn thuê 30 năm.
Sau gần 4 năm có đất nhưng không triển khai, tháng 8/2007, chủ đầu tư tiếp tục xin Hà Nội cho tăng chiều cao của công trình từ 13 tầng lên 30 tầng và đã được chấp thuận.
Đến năm 2011, có nghĩa 9 năm sau khi được giao đất nhưng BIDV vẫn để khu đất vàng nằm "đắp chiếu". Ngày 2/6/2011, UBND thành phố Hà Nội lại ra thêm quyết định điều chỉnh người sử dụng đất thay đổi từ Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sang Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; thời hạn sử dụng đất từ 30 năm sang giao đất thu tiền sử dụng đất với thời hạn 50 năm kể từ ngày 16/2/2011.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, khu đất "vàng" này vẫn tiếp tục bị BIDV cho "trồng cỏ", gây nhiều lãng phí về quỹ đất cho thành phố. Đây là lý do khiến đầu tháng 9/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường trình đề nghị UBND thành phố thu hồi dự án trên.
Vì đâu dân nghèo chưa có nhà ở?
Một khu đất "vàng" nằm tại trung tâm thủ đô nhưng sau 12 năm giao đất, khu đất vẫn bỏ hoang. Chỉ cần nhìn vào ví dụ nhỏ này, chưa kể tính đến những chỗ khác cũng đủ thấy Hà Nội quản lý quỹ đất “khéo” như thế nào.
Trong khi đó, trước nhân dân và truyền thông, lãnh đạo Hà Nội cùng Bộ Xây dựng luôn miệng giải thích rằng nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp vẫn chưa đáp ứng được do nhu cầu còn rất lớn.
Nguyên nhân mà họ đưa ra, trước hết vẫn là do thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi…
Xin lưu ý, công trình "Tòa tháp Diamon” chủ đầu tư là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - một đơn vị rất lớn. Và ai cũng hiểu, với tầm như vậy thì chắc chắn về tài chính và quan hệ của BIDV không phải vừa.
Điều này ít nhiều giải thích được lí do vì sao Hà Nội lại "nhẹ nhàng" với BIDV đến vậy. Bởi thay vì thu hồi dự án sau 9 năm không triển khai, năm 2011 Hà Nội lại "bất ngờ" có quyết định điều chỉnh hình thức sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất từ 30 năm thành 50 năm.
Một quyết định được cho là có lợi với "đại gia" BIDV, nhưng nó khiến cho nhiều dân nghèo Hà Nội phải khổ sở vì không mua được nhà giá rẻ. Và nếu biết chuyện, chắc chắn họ sẽ rất tủi thân khi thấy thành phố "quan tâm, lo lắng" cho người giàu (BIDV) hơn là nghĩ đến nỗi khổ của người nghèo.
Bởi ai cũng hiểu, nếu dự án trên cùng những dự án khác đang bỏ hoang được thu hồi theo quy định thì quỹ đất cho nhà ở xã hội tại Hà Nội sẽ không thiếu thốn như bây giờ.
Được biết, đây là lần thứ 2 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có ý kiến về việc thu hồi đất của dự án xây dựng tháp BIDV Diamond .
Trước đó vào tháng 1/2010, Sở này cũng đã một lần ra "tối hậu thư” gửi BIDV Thăng Long. Trong đó đề nghị trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày 1/2/2010, nếu ngân hàng vẫn không thể đưa diện tích đất được giao vào sử dụng thì phải trả lại đất cho thành phố.
Trong một động thái khác từ cách đây rất lâu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã từng kiến nghị, yêu cầu BIDV Thăng Long tập trung hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng để nhanh chóng đưa đất vào sử dụng trước ngày 30/5/2011.
Nếu quá thời hạn trên mà BIDV Thăng Long chưa đưa đất vào sử dụng thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề nghị UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi đất để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của thành phố quản lý theo quy định.
Từ đó đến nay, dù đã nhiều lần kiến nghị, quá thời hạn "tối hậu thư" thu hồi đất đưa ra 5 năm nhưng dự án vẫn bất động và không hiểu vì lý do gì mà dự án này vẫn chưa bị thu hồi.
Với cách quản lý quỹ đất như vậy đã lí giải vì sao Bộ Xây dựng và Hà Nội luôn kêu thiếu quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cuối cùng chỉ khổ những người dân nghèo thủ đô cứ mãi ngóng chờ, mơ mộng.
Gần đây, Hà Nội đánh tiếng sẽ mạnh tay với dự án này, chắc hẳn sự mạnh tay ấy là phải thu hồi đất, tuy nhiên, sự run rẩy suốt 5 năm qua khiến người ta không mấy tin vào ý định của lãnh đạo Hà Nội nữa...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới