Chứng khoán

Biển Đông chưa lặng sóng, chứng khoán chưa yên ổn

Các nhà đầu tư “chào buổi sáng” phiên giao dịch ngày 15/5 bằng một tin tức không thể tệ hơn: Giá vàng tăng tiếp 300.000 đồng mỗi lượng. Còn sàn chứng khoán, từ ngữ để mô tả tình hình lúc này chính xác phải là “bấn loạn”.

Nhưng 300.000 đồng cho mỗi lượng vàng chưa phản ánh hết sự hoang mang. Chính xác phải là trong 24h đồng hồ giá vàng đã tăng thêm 1 triệu đồng mỗi lượng. Người lạc quan thì nhìn nhận bằng đối sánh với… thế giới khi giá vàng đêm 14/5 “tái vượt mốc 1.300USD/ounce” xuất phát từ nhu cầu phòng ngừa lạm phát và căng thẳng ở Ukraina.

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi thì nhìn thấy thấp thoáng trong đó yếu tố đẩy giá của giới đầu cơ, thậm chí, không loại trừ khả năng chính các "nhà vàng" làm giá. Nhưng trên hết, giá vàng, ngược chiều với chứng khoán, liên quan chặt chẽ đến tình hình Biển Đông và đặc biệt sau các sự biến liên tiếp xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và đêm 14/5 là ở Hà Tĩnh. Có sự quan ngại lo lắng trong dân chúng về những rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền và điều đó phản ánh ngay trong nhu cầu muốn tích giữ tài sản, bằng vàng, như truyền thống.

Trong 2 tuần Biển Đông dậy sóng, VN Index mất 11%, 2 cổ phiếu giảm giá kỷ lục lịch sử. Sự hoảng loạn chưa từng có đang diễn ra khi cổ phiếu được bán tháo một cách ồ ạt. Tiếp theo kỷ lục “trắng bên mua” với 75% cổ phiếu “giảm giá lịch sử” trong phiên giao dịch hôm 8/5, lại đến cơn ớn lạnh “bấm lệnh bán bằng mọi giá”. Hàng chục ngàn tỷ đồng “bốc hơi” trong sự thẫn thờ của các nhà đầu tư.

Và 11 phút buổi chiều hôm qua 15/5 chắc chắn đi vào lịch sử thị trường chứng khoán khi người ta chứng kiến một đợt xả hàng khủng khiếp trên toàn thị trường, với mọi cổ phiếu. VN-Index bay mất hơn 22 điểm chỉ trong vòng 11 phút.

Nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc cũng chẳng khá hơn. Chỉ số Hang Seng China Enterprises’ đã sụt giảm 13% tính tới phiên 14/5 và trở thành chỉ số giảm mạnh nhất thế giới. Đồng nhân dân tệ, số liệu ngày 14/5, đã giảm 2,8% so với USD và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012. Và nhìn nhận một cách chính xác nhất được đưa ra từ hãng quản lý tài sản Edmond de Rothschild Asset Management: “Sự bi quan đang ngày càng tăng cao, bất kể Trung Quốc thực hiện hay tuyên bố điều gì".

Chỉ khi không còn ổn định, có lẽ người ta mới nhìn thấy rõ nhất, bằng tiền, cái giá của hòa bình. Sự thật là nền kinh tế hai nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả nhân dân hai nước đều chỉ là nạn nhân của cái giàn khoan có tên là Hải Dương 981 đang, một cách vô cùng hiếu chiến, hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Chừng nào mà sóng Biển Đông chưa lặng, chừng đó bão tố còn chưa ngừng trên sàn chứng khoán cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc.

 

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo