Biến hàng rong thành điểm nhấn du lịch
Vấn đề là cần giải quyết làm sao để hàng rong trở thành “điểm nhấn” cho du lịch thay vì các cơ quan quản lý phải đau đầu tìm cách cấm.
Giáo sư Annette Kim, thuộc khoa Nghiên cứu và Quy hoạch đô thị của Đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology - Mỹ), từng có một nghiên cứu về sử dụng không gian vỉa hè tại TP.HCM. Nghiên cứu này cho thấy cuộc sống vỉa hè sôi động chính là một phần cuộc sống của thành phố và hàng rong cung cấp những tiện nghi mà nhiều người phương Tây muốn có.
Đặc sắc từ hàng rong vỉa hè
Nghiên cứu của Giáo sư Annette Kim chỉ ra rằng hàng rong vỉa hè cung cấp 30% thức ăn, hàng hóa, dịch vụ cho người dân thành phố và 30% công ăn việc làm. Người dân trong khu vực xem hàng rong vỉa hè như là một phần lâu đời của nền văn hóa. Người dân cũng đánh giá cao thực phẩm, hàng hóa có giá rẻ, hợp lý, gần bên cạnh và tiện lợi.
Không chỉ cung cấp hàng hóa, dịch vụ giá rẻ, tiện lợi, hàng rong trở thành một điểm đặc sắc trong nghiên cứu của bà Kim với các kiểu “biểu tượng”.
Đầu tiên là biểu tượng không cần ngôn ngữ. Ví dụ, một tờ giấy cuộn lại, đặt bên trên một viên gạch, nghĩa là có ai đó gần đó có thể cung cấp xăng. Một cái vỏ xe cũ đặt hoặc treo trên một đoạn gỗ, nghĩa là ở đó có dịch vụ sửa chữa xe.
Thậm chí các “biểu tượng” cũng không cần hình ảnh. Một người vừa đi vừa lắc xâu kêu lạch xạch, từ xa bạn đã nghe thấy, nghĩa là họ có thể xoa bóp, massage cho bạn.
Khách ngồi trong nhà, nghe ai đó đi qua và gõ đũa lập bập vào một cái tô sành, nghĩa là họ bán hủ tíu mì. Đặc sắc hơn, các “biểu tượng” này có thể thay đổi qua từng năm và người ta truyền miệng, tán gẫu với nhau để khám phá ra những điều thú vị từ nó.
Nghiên cứu của Giáo sư Annette Kim cũng chỉ ra một phát hiện đáng ngạc nhiên rằng người dân rất đồng cảm với những người bán hàng rong, bán hàng trên vỉa hè. “Người thì giúp cất, giấu hàng hóa khi người bán rong bị truy đuổi, người thì cho sử dụng điện nước miễn phí, người thì cho một chỗ trong nhà để người bán rong trữ hàng hóa, tủ ghế qua đêm”…
Sử dụng vỉa hè có… thời gian biểu
Nghiên cứu của Giáo sư Annette Kim đã sử dụng cụm từ “sử dụng hỗn hợp” và “hỗn hợp sử dụng” vỉa hè. Nghiên cứu này đã thực hiện gần 300 cuộc phỏng vấn những người bán dạo trên vỉa hè ở sáu phường tại TP.HCM.
Trong đó, phỏng vấn xem tại sao người bán rong lại chọn vị trí này, họ hoạt động như thế nào, buôn bán ra sao, tránh các đợt “truy đuổi” như thế nào…
Nghiên cứu này cũng cho thấy từng góc phố, từng khoảnh nhỏ trên vỉa hè đều có “thời gian biểu” của nó, từ sớm tinh mơ thì người bán điểm tâm sử dụng, buổi trưa đến ai sử dụng, ngồi bao lâu, buổi tối sẽ là ai sử dụng, vào đêm khuya sẽ đến lượt ai sử dụng. Người ta thay phiên nhau sử dụng khoảng “tài sản chung” đó một cách nhịp nhàng, linh hoạt, qua từng ngày, từng tuần.
Trong khi đời sống ở vỉa hè rất sôi động thì nghiên cứu này chỉ ra rằng các quy định về giao thông xem bất cứ thứ gì có mặt trên vỉa hè đều là trở ngại cho giao thông.
Các nhà quy hoạch thì muốn đường phố sạch đẹp và cho rằng du khách không thích các vỉa hè đông đúc. Do đó mà trong nhiều chính sách của TP.HCM thể hiện nỗ lực của chính quyền nhằm xóa bỏ hàng rong vỉa hè để hiện đại hóa thành phố và để thu hút khách du lịch.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quản lý về đăng ký kinh doanh cho rằng thật khó đánh giá đóng góp về mặt kinh tế của hàng rong vỉa hè đối với nền kinh tế, bởi vì họ không có đăng ký kinh doanh, không nộp thuế.
Thế nhưng họ bán thực phẩm, bán nước uống, sách báo, các thứ cần thiết khác mà người dân có thể mua một cách tiện lợi, giá rẻ, vì vậy mà họ tồn tại được, họ tự giải quyết công ăn việc làm cho chính họ và thêm vài người phụ việc khác, như một doanh nghiệp nhỏ. Vấn đề là họ bán ở đâu, bán hàng như thế nào.
PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, Trưởng khoa Đô thị học và Quản lý đô thị, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: Cần quy hoạch cho người bán hàng Tôi thấy ở nhiều nước đều có người bán hàng tận dụng vỉa hè, lòng đường, đấy là chuyện bình thường. Việc bán hàng này, đầu tiên là tạo công ăn việc làm, có thu nhập cho người dân, về phía người tiêu dùng thì có hàng hóa, dịch vụ tiện lợi, về phía khách du lịch thì có cái để mà ngắm, mà mua. Xét về góc độ đô thị thì việc bán hàng như thế làm bộ mặt thành phố trở nên sinh động hơn, vui hơn.
Vấn đề là chúng ta cần quy hoạch hợp lý để phát huy hiệu quả, mặt lợi và tiết giảm mặt xấu của việc bán hàng này. Ví dụ, tôi thấy ở Thái Lan, cứ độ ba, bốn con hẻm thì sẽ có một con hẻm được dành cho bán hàng. Các xe đẩy bán thức ăn, rau củ quả, đồ thủ công, hàng tiêu dùng…
Những người bán trong hẻm đó có ký bản cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ vệ sinh môi trường. Họ đóng một khoản phí vệ sinh để giữ vệ sinh chung. Vì bán trong hẻm nên không có gây ùn tắc giao thông hay mất trật tự an toàn gì cả.
Theo tôi, TP.HCM cũng nên sắp xếp những vị trí thích hợp cho người bán hàng, giới thiệu cho cộng đồng biết để đến mua hàng, tập huấn cho họ cách bán hàng, cách ăn mặc, cách giữ quầy hàng không nhếch nhác…
Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt: “Chỉnh” chứ đừng “triệt” Các cơ quan quản lý của ta lo lắng về trật tự, về mỹ quan, về an toàn vệ sinh thực phẩm… nên cứ muốn “triệt” hàng rong vỉa hè. Hàng rong hoạt động đúng nơi, đúng chỗ, cư xử đúng khuôn khổ thì sẽ trở thành một “đặc sản” cho du lịch.
Ví dụ, một người ngồi trên vỉa hè bán vé số, ai muốn mua vé số thì đến đó mua sẽ tạo cảm giác thân thiện hơn là bán vé số mà cứ lầm lầm lì lì đến gí vào mặt người ta.
Mới đây tôi đi Campuchia, có một đám trẻ đi nhặt rác ngoài biển, hỏi ra mới biết đấy là đám trẻ bán hàng rong tự nguyện đi nhặt rác. Chúng nói rằng bãi biển sạch khiến du khách thích đến hơn, thích ở lâu ngoài bãi biển và họ thèm ăn vặt hơn, thế là chúng bán được nhiều hàng hơn.
Ở nhiều nơi, người bán hàng rong ăn mặc sạch sẽ, lịch sự, giới thiệu hàng hóa nhiệt tình, bán đúng nơi đúng chỗ, không cố tìm cách tiếp cận du khách hay nhảy lên xe du lịch để bán hàng. Không phải họ tự nhiên mà đồng loạt hành xử được như vậy.
Để được như vậy cũng có phần tham gia quản lý, đặt quy định, quy chế hành xử của chính quyền địa phương.
Hãy giao trách nhiệm về cho địa phương, cứ phường nào có hàng rong đeo bám, chèo kéo, hăm dọa du khách thì chủ tịch phường bị cách chức, thế là người ta sẽ quyết liệt làm ngay. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền, hỗ trợ người bán rong về các kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cách thức bán hàng lịch sự… |
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?