Biến rác Đông Thạnh thành...… tiền
Quỹ Tái chế TPHCM đang có trong tay một danh sách khá dài các dự án CDM sẽ triển khai thực hiện trong năm 2008. Theo các nhà bảo vệ môi trường, đây là một tín hiệu tốt trong công tác bảo vệ môi trường bởi nếu triển khai thành công, TPHCM không những sẽ xanh, sạch hơn mà còn thu được một khoản tiền không nhỏ từ các dự án này.
Biến rác Đông Thạnh thành...… tiền
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM: đó là chuyện thật 100%... tất cả được bắt đầu từ đầu năm 2007. Lúc ấy, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã đến TPHCM và đặt vấn đề được thực hiện dự án CDM tại bãi rác Đông Thạnh. Là một quốc gia tham gia Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Việt Nam, mà cụ thể là TPHCM - đã nhiệt tình chào đón nhà đầu tư này.
Qua nhiều lần thương thảo, hai bên đã đạt được thỏa thuận sẽ tiến hành dự án CDM tại bãi rác Đông Thạnh. Theo đó, toàn bộ khí thải từ quá trình xử lý rác sẽ được đốt, rồi chuyển thành năng lượng điện. Số điện này sẽ được bán cho ngành điện lực để hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Và lượng khí thải xử lý được, ước vào khoảng 2,040 triệu tấn CO2 trong suốt thời gian thực hiện dự án (2008-2014) sẽ được ghi lại như một dạng chứng chỉ xác nhận nỗ lực của hai bên trong việc giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Chứng chỉ này sẽ được đưa ra giao dịch mua-bán trên thị trường CDM thế giới. Tiền thu được từ việc bán chứng chỉ, phía Hàn Quốc nhận 60% và Việt Nam 40%.
Đây là một cơ chế hoạt động rất linh hoạt của Nghị định thư Kyoto. Nghị định thư đưa ra nguyên tắc: các nước công nghiệp hóa có thể thực hiện chỉ tiêu giảm khí phát thải của mình bằng việc giảm khí phát thải tại các quốc gia khác. Ngoài ra, Nghị định cũng cho phép các nước chuyển giao phần chứng chỉ đã phát thải.
Bằng giải pháp này, Nghị định thư Kyoto giúp các nước phát triển có thể thực hiện chỉ tiêu giảm phát thải ở các nước đang phát triển (thường là với chi phí thấp hơn) hoặc “mua” lại chứng chỉ để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu giảm phát thải của mình. Ngược lại, các nước đang phát triển như Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội để mời các nhà đầu tư nước ngoài vào xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường. Dự án CDM tại bãi rác Đông Thạnh là một phần trong việc thực hiện Nghị định thư Kyoto tại Việt Nam. Dự kiến bắt đầu từ năm 2009, chứng chỉ CDM ở Đông Thạnh sẽ được đưa ra giao dịch trên thị trường CDM thế giới.
Sẽ có khoảng 10 dự án CDM
CDM là gì? Cơ chế phát triển sạch (CDM) cho phép thực hiện các dự án giảm phát thải hỗ trợ phát triển bền vững tại các nước đang phát triển để thu “các chứng chỉ giảm phát thải” cho các chủ đầu tư dự án (thường là chủ đầu tư sẽ phải “ăn chia” chứng chỉ này cho nước sở tại, như trường hợp ở bãi rác Đông Thạnh). |
Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Chuyên viên môi trường của UBND TPHCM cho biết, tiếp sau Đông Thạnh, bãi rác Phước Hiệp 1 của TPHCM cũng sẽ được đưa vào danh mục triển khai thực hiện dự án CDM. Ngay sau Phước Hiệp 1, là các dự án CDM về thay thế các chất dung môi trong việc làm lạnh.
Theo đó, chất CFC trong nhiều máy lạnh, tủ lạnh có khả năng gây hại cho môi trường sẽ được thay thế bằng chất khác thân thiện với môi trường hơn. Một trong những trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường của TP cũng sẽ được chọn để thực hiện CDM bằng cách xử lý phân, nước thải của heo làm biogas. Một số nhà máy, xí nghiệp có công nghệ lạc hậu, ít hoặc không có điều kiện xử lý chất thải cũng có khả năng tham gia CDM.
Trong đó, Quỹ Tái chế đang nhắm tới 2 đơn vị tiêu biểu là Nhà máy Nhiệt điện Hiệp Phước và Thủ Đức. Công ty TNHH Phân bón Hòa Bình - đơn vị đầu tiên và duy nhất của TP xử lý phân hầm cầu, cũng có tên trong đợt lựa chọn này và điều ấy sẽ giúp họ cải tiến công nghệ xử lý, có tiền đầu tư xây dựng nhà máy. Bà Hà cho biết, lãnh đạo Công ty TNHH Phân bón Hòa Bình đã thực sự xúc động khi biết mình được tham gia chương trình CDM. Cũng theo bà Hà, TPHCM rất có tiềm năng về CDM.
Sắp tới, TPHCM sẽ đánh giá lại toàn bộ khả năng này và sẽ có các chính sách thu hút đầu tư vào đây. TPHCM sẽ mời chuyên gia môi trường của các nước đến để chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường và thực hiện các dự án CDM. 25 cán bộ của TPHCM cũng sẽ được cử đi nước ngoài học về CDM để giúp TP triển khai thành công chương trình này. Hội nghị về Công ước biến đổi khí hậu được tổ chức vào ngày 6-12-2007 vừa qua tại Bali-Indonesia đã nhận định: Việt Nam sẽ thu được khoảng 250 triệu USD từ các dự án CDM trong vòng 4 năm tới (2008-2012), trong đó, TPHCM có nhiều khả năng đạt mức thu cao nhất.
Năm 2008 được bắt đầu bằng những thông tin tốt như vậy thật là vui. Thế nhưng, tại sao Nghị định thư Kyoto đã được Việt Nam phê chuẩn từ năm 2002 nhưng 5 năm sau, nội dung Nghị định mới được triển khai ở TPHCM? Phải chăng đúng như Giáo sư Vũ Thị Hồng Thủy, Khoa Môi trường, Đại học Nông Lâm TPHCM nhận định: “Do nhận thức về lợi ích kinh tế và môi trường mang lại từ việc phát triển các dự án kinh doanh khí phát thải chưa được chú trọng thực sự, các kiến thức có liên quan đến hiệu ứng nhà kính và yêu cầu giảm phát thải còn chưa phổ biến nên đã phần nào làm cho tốc độ phát triển các dự án CDM tại Việt Nam, mà cụ thể ở TPHCM, vô cùng khiêm tốn”? Tuy nhiên, trễ vẫn hơn không bao giờ.
Hậu quả của việc phát thải một lượng lớn khí nhà kính là làm cho một phần tầng ozon bị phá hủy, nhiệt độ trái đất nóng lên, băng tuyết ở các cực tan chảy, diện tích đại dương tăng và diện tích lục địa bị thu hẹp lại và điều này sẽ làm biến đổi đa dạng sinh học theo chiều hướng xấu đi.
Theo các nhà khoa học, GDP Việt Nam sẽ tăng liên tục trong các năm tới, đặc biệt là tại TPHCM. Để đạt được sự tăng trưởng này, nhu cầu về năng lượng cho công nghiệp, giao thông và các hoạt động khác sẽ tăng rất nhiều. Việc sử dụng chủ yếu các loại nhiên liệu địa khai như than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên chắc chắn sẽ làm tăng lượng khí phát thải vào môi trường. Do vậy, việc triển khai mạnh mẽ các dự án CDM sẽ là yêu cầu cấp thiết. |
NGUYỄN KHOA (SGTT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bấm chuông giữa trưa, mẹ chồng bơ phờ tìm đến xin ở nhờ: Cú sốc gia đình khiến tôi nghẹn lời
10 triệu mỗi tháng gửi về chăm bố mẹ chồng, nhưng ngày về thăm quê, nhìn mâm cơm nghèo nàn, tôi lặng người
Bí mật kinh hoàng sau tờ đăng ký xe máy của mẹ chồng: Cơn ác mộng của một cuộc hôn nhân tưởng như hoàn hảo
Loài côn trùng nằm dưới hang sâu, được xem như 'lộc trời cho', xưa không ai thèm ăn nhưng nay là đặc sản, giá 200 nghìn đồng/kg
Khi chiên đậu phụ cho dầu nhiều sẽ 'lãng phí'! Hãy nhớ 2 mẹo này đậu phụ sẽ không bị vỡ hay dính chảo
Nhỏ một giọt dầu gió vào quần áo lúc đang ngâm, công dụng bất ngờ mà không loại bột giặt nào có được