Phải chăng, chính UBND tỉnh Bình Dương chủ trương “giảm KCN, tăng đất đô thị” để các chủ đầu tư phá vỡ quy hoạch?
Xung quanh vụ ông Huỳnh Uy Dũng – Tổng GĐ Công ty cổ phần Đại Nam – gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ tố cáo ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (BD), ngày 30/10/2013, UBND tỉnh Bình Dương ra báo cáo số 132/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ, nhằm nói lên “sự thật” vụ việc trên… Tuy nhiên, có một sự thật khác mà UBND tỉnh Bình Dương vẫn chưa “mạnh dạn” báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ…
Ông Dũng “phân lô, bán nền”, “phá vỡ quy hoạch”…
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Từ tháng 10/2008, Cty Đại Nam đã phân lô bán nền khu đất ở cho cán bộ, CNV với giá từ 1,8 – 3 triệu đồng/m2/nền đất (120m2).
Ngày 24/8/2009, UBND tỉnh BD ra công văn số 2460/UBND-KTTH, về kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3.
Kết quả tới thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đã phân ra 2.630 lô đất, với diện tích 32,3ha và thu tiền bán đất nền với tổng số tiền là 414,3 tỉ đồng.
Ngày 5/10/2009, Tỉnh ủy ra thông báo số 339/TB-TU kết luận Cty Đại Nam “chuyển nhượng QSDĐ dưới hình thức thỏa thuận góp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng (mà thực chất là phân lô bán nền) là sai với quy hoạch được duyệt và trái quy định pháp luật”.
Từ đó, ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – ra công văn số 3184/UBND-KTTH ngày 21/10/2009, không cho phép Cty Đại Nam chuyển nhượng khu đất ở trong KCN dưới bất cứ hình thức nào.
Riêng việc Công ty Đại Nam 3 lần nộp hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết, chia tách KCN Sóng Thần 3 thành 2 dự án, trong đó giảm đất công nghiệp và tăng đất dân cư đô thị..., theo UBND tỉnh Bình Dương, “việc đề nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết của chủ đầu tư nói trên là nhằm hợp thức hóa diện tích khu ở đã phân lô bán nền...” và việc “xin điều chỉnh của chủ đầu tư sẽ phá vỡ quy hoạch chung của khu liên hợp” v.v...
... và còn một sự thật khác chưa dám nói?
Thật lạ, báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ có rất ít văn bản ủng hộ quan điểm của UBND tỉnh Bình Dương. Trong khi, một sự thật không thể phủ nhận: Từ năm 2004 – ngày 21/10/2009 (thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra văn bản cấm DN chuyển nhượng QSDĐ), lại có rất nhiều văn bản của các sở, ngành tỉnh Bình Dương khẳng định Công ty Đại Nam làm đúng luật pháp. Kể cả việc “thỏa thuận huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng” cũng không sai.
Đầu tiên là Quyết định số 3505/QĐ-UBND ngày 1/8/2006, UBND tỉnh Bình Dương cho phép Công ty cổ phần Sóng Thần (tức Cty Đại Nam hiện nay) sử dụng 61,4ha đất làm khu ở trong KCN. Tổng vốn đầu tư toàn bộ KCN Sóng Thần là 935,9 tỷ đồng (không có chi phí đầu tư công trình kiến trúc trong khu đất ở). UBND tỉnh Bình Dương còn cho phép Công ty Đại Nam “ứng vốn trước từ khách hàng”.
Sau khi Công ty Đại Nam nộp đủ tiền sử dụng đất, UBND tỉnh BD đã cấp 75 sổ đỏ cho Công ty Đại Nam. 75 sổ đỏ này ghi rõ mục đích sử dụng đất là “đất khu ở” .
Ngày 7/7/2008, UBND tỉnh BD ra Quyết định 2089/QĐ-UBND, xác định thêm lần nữa khu đất ở 61,4ha đã cấp sổ đỏ cho Cty Đại Nam có mục đích sử dụng là “đất ở”, “thời hạn sử dụng là lâu dài”.
Đến tháng 8/2009, sau khi UBND tỉnh BD chỉ đạo kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3, ngày 25/8/2009, đoàn công tác gồm nhiều cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp.
Trong cuộc họp này, ông Bùi Văn Hai – Phó GĐ Sở TNMT tỉnh Bình Dương – đã kết luận: “Theo Điều 110, Luật Đất đai thì chủ đầu tư có các quyền góp vốn, chuyển nhượng QSDĐ gắn với hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.
Do đó, chủ đầu tư kêu gọi góp vốn từ khách hàng là đúng quy định của pháp luật (theo Luật Đất đai và Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ). Đề nghị chủ đầu tư lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 cho khu ở thuộc KCN Sóng Thần 3”.
Ngày 4/9/2009, Sở Xây dựng tỉnh BD ra báo cáo số 2021/BC-SXD, báo cáo “kết quả kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3”. Ngay trong báo cáo này, “Đoàn kiểm tra thống nhất việc thỏa thuận góp vốn của chủ đầu tư là phù hợp với quy định của pháp luật”.
Đoàn kiểm tra cũng dẫn chứng Quyết định số 3505 của UBND tỉnh Bình Dương, “cho phép ứng vốn trước từ khách hàng, huy động vốn từ các nguồn vốn khác”.
Như vậy rất rõ, cái mà UBND tỉnh Bình Dương sau này gọi là “phân lô, bán nền”, thực chất là “thỏa thuận góp vốn” với những cán bộ, công nhân viên mà Công ty Đại Nam thực hiện, là có sự cho phép của UBND tỉnh Bình Dương.
Đồng thời, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng đã khẳng định việc làm trên của Cty Đại Nam là đúng quy định luật pháp, thì giờ đây, UBND tỉnh BD không thể... hai lời, quay ngược 180 độ, quy chụp Cty Đại Nam “phân lô, bán nền”, làm sai luật pháp.
Ngày 17.1.2008, UBND tỉnh Bình Dương ra thông báo số 11/TB-UBND, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Nguyễn Hoàng Sơn.
Ông Sơn chỉ đạo “đối với các KCN tiếp giáp với trung tâm hành chính tập trung của tỉnh (thuộc khu đô thị mới) cần giảm bớt diện tích KCN, chuyển sang phát triển dịch vụ để đảm bảo về cảnh quan cho khu hành chính”.
Chưa hết, tại biên bản họp số 784/SXD-QH, ngày 16.4.2009 và biên bản họp số 915/SXD-QH, ngày 4/5/2009 - đều do Sở Xây dựng ban hành, với sự có mặt của các sở, ngành chức năng - cũng thể hiện sự ủng hộ Cty Đại Nam điều chỉnh KCN theo hướng giảm đất KCN, tăng đất đô thị...
Và, nhiều chủ đầu tư các KCN khác như các Cty: Hưng Thịnh, Việt Nam – Singapore, 3/2, Đại Đăng và Kim Huy đều đồng ý với chủ trương “giảm KCN, tăng đất đô thị” của UBND tỉnh BD và muốn xây dựng khu nhà ở CN...
Do đó, mới có chuyện Công ty Đại Nam 3 lần ra văn bản xin điều chỉnh quy hoạch. Như vậy, tại sao UBND tỉnh Bình Dương mới đây báo cáo Thủ tướng Chính phủ lại quy chụp cho Cty Đại Nam “xin điều chỉnh quy hoạch” là “phá vỡ quy hoạch chung của khu liên hợp”?
Nếu có chuyện đó, thì cần hỏi ngược UBND tỉnh BD: Phải chăng, chính UBND tỉnh Bình Dương chủ trương “giảm KCN, tăng đất đô thị” để các chủ đầu tư phá vỡ quy hoạch?
Báo cáo Thủ tướng cần phải đầy đủ, trung thực mới khách quan, đúng bản chất sự việc. Nhưng ở đây, UBND tỉnh BD chỉ báo cáo Thủ tướng bằng vài văn bản sơ sài mà bỏ qua rất nhiều văn bản pháp lý khác (?!).
Bỏ sót một phần sự thật, không báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phải chăng UBND tỉnh Bình Dương không dám nhìn thẳng vào sự thật “tiền-hậu bất nhất” trong công tác điều hành và không trung thực, nhằm giấu nhẹm chứng cứ thể hiện cái sai của mình trong vụ tranh cãi pháp lý hy hữu với ông Huỳnh Uy Dũng và Cty Đại Nam?
Lao động