Thị trường

Bình Dương: Gói hỗ trợ 1.000 tỉ đồng cho DN bị thiệt hại

Bình Dương sẽ hỗ trợ lãi suất đối với gói tín dụng 1.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại sau sự cố giữa tháng 5 vừa rồi. Nguồn vốn này nhằm giúp doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất…

Doanh nghiệp kiến nghị với lãnh đạo tỉnh về việc đền bù bảo hiểm còn quá chậm trong buổi gặp ngày 15-8. Ảnh: Thái Ngọc

Doanh nghiệp được vay 50% từ gói 1.000 tỷ cho tổng vốn đầu tư vào các hạng mục phục hồi, nâng cấp, mở rộng sản xuất. Với nguồn vốn vay từ gói tín dụng này, doanh nghiệp được tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng.

Gói tín dụng này sẽ được triển khai trong tháng 9 tới, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã cho biết như thế tại buổi sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chính sách bồi thường bảo hiểm, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại của tỉnh, chiều ngày 15-8.
 
Ba tháng sau sự cố với các doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương đã hoàn thuế cho 143 doanh nghiệp bị thiệt hại với số tiền gần 524 tỉ đồng. Gia hạn nộp thuế cho 243 doanh nghiệp với số tiền gần 19 tỉ đồng. Đang thực hiện việc giải quyết miễn, giảm tiền thuê đất, hạ tầng trong năm 2014 cho 594 doanh nghiệp với số tiền dự kiến 155 tỉ đồng.
 
Cùng với đó 12 doanh nghiệp cũng được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu, không nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, sửa chữa thay thế máy móc, linh kiện bị thiệt hại với số tiền 27 tỉ đồng. Tỉnh cũng thực hiện việc miễn thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu và máy móc thiết bị nhập khẩu với số tiền gần 400 tỉ đồng và hoàn thuế đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu kinh doanh tiêu thụ nội địa với số tiền hơn 49 tỉ đồng.
 
Bên cạnh đó tỉnh dừng kiểm tra về tài nguyên môi trường năm 2014 đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại.
 
Tỉnh cũng miễn giấy phép xây dựng đối với các trường hợp xây dựng, sửa chữa công trình bị thiệt hại sau sự cố vừa rồi.
Tại buổi gặp mặt, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại vì những hành động quá khích của công nhân hồi tháng 5 vừa qua đã phản ánh việc chi trả bảo hiểm của các công ty còn quá chậm, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ nhanh chóng mời các công ty bảo hiểm vào làm việc tiếp, đồng thời trình Bộ trưởng Bộ Tài chính có chỉ đạo trực tiếp với các công ty bảo hiểm.
 
Tỉnh Bình Dương thừa nhận trở ngại ngôn ngữ, hạn chế trong khâu phiên dịch của nhà nước với doanh nghiệp nước ngoài cũng ảnh hưởng không ít đến sự triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh đến doanh nghiệp.
 
Đến nay Bình Dương cũng đã đưa ra xét xử 19 vụ, với 28 bị cáo đã có những hành động quá khích đập phá, lấy trộm máy móc, đồ đạt của các doanh nghiệp.
TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo