Bỏ cả trăm “giấy phép con”
“Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như thế tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 19-8 với các bộ, ngành thảo luận và cho ý kiến vào báo cáo rà soát, xây dựng ba danh mục theo quy định của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Ba danh mục gồm có: Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư.
Đại gia đình “giấy phép con”
Bộ KH&ĐT cho biết hiện có 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 bộ, ngành được quy định tại 391 văn bản pháp luật (gồm 56 luật, tám pháp lệnh, 115 nghị định, 176 thông tư, 26 quyết định của bộ trưởng và hai văn bản của Bộ).
Cũng theo Bộ KH&ĐT, trong 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì có tới 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1” (giấy phép “cha”), 2.129 điều kiện “cấp 2” (giấy phép “con”) và 1.745 điều kiện “cấp 3” (giấy phép “cháu”). Các điều kiện kinh doanh thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức. Cụ thể, có 110 ngành, nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh; 83 ngành, nghề yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận. Ngoài ra còn có 44 loại ngành, nghề cần có chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ hành nghề và 11 ngành, nghề yêu cầu xác nhận vốn pháp định cùng 345 ngành, nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Quản lý nhà nước là để tạo thuận lợi tối đa
cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn”. Ảnh: TH
Từ kết quả rà soát và đánh giá, Bộ KH&ĐT đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết; bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể; chuyển một số điều kiện kinh doanh từ hình thức cấp giấy phép sang áp dụng hình thức tự đăng ký thực hiện. Theo đó, có khoảng 15% ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có thể bãi bỏ (bãi bỏ 56/386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).
Giảm cấm đoán, ít ưu đãi
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh. Qua rà soát, Bộ đề xuất danh mục chỉ còn tám ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Kết quả rà soát được thực hiện theo các nguyên tắc loại bỏ các ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ trùng lặp. Đồng thời chuyển một số, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh thành ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; chuẩn xác lại phạm vi và nội dung cấm đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ. Qua đó xác định ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh là ngành, nghề gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng mà không thể khắc phục hay hạn chế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật hay chuyên môn.
Về danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với đề xuất không ưu đãi đầu tư đối với các ngành, nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản và khoảng 40 ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dù các ngành, nghề này đầu tư ở địa bàn ưu đãi đầu tư. Chính sách ưu đãi về ngành, nghề, địa bàn đầu tư sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ và các thành viên Chính phủ cùng các bộ, ngành đều nhất trí với đề xuất, kiến nghị của Bộ KH&ĐT. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo các danh mục đảm bảo chất lượng, khả thi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp tới. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành có trách nhiệm, khẩn trương, tiếp tục và chủ động rà soát các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh bị hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý…
Theo PL TPHCM
Đề xuất tám ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh
Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; kinh doanh chất ma túy; sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, tiêu dùng và xuất khẩu hóa chất; kinh doanh các loại pháo; kinh doanh, tổ chức mại dâm, buôn bán người; kinh doanh thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; thử nghiệm sinh sản vô tính trên người; và sản xuất các sản phẩm biến đổi gen.
Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh hiện hành chưa được xác định, tập hợp và công khai hóa. Bên cạnh đó, nhiều quy định về điều kiện kinh doanh đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hoặc không cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước, từ đó gây ra các rào cản gia nhập thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều điều kiện kinh doanh không được quy định cụ thể và thiếu minh bạch về trình tự, hồ sơ, thủ tục hoặc điều kiện, thủ tục không rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh, đồng thời tạo ra sự tùy tiện, tiêu cực của cơ quan quản lý nhà nước.
(Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam
2 ngày tung một sản phẩm mới, Vinamilk tiên phong đưa chuẩn thế giới về Việt Nam
Nhìn lại kinh tế Thủ đô - Bài 1: Cán đích hơn mong đợi
Ngành nông nghiệp cần tăng tốc