Chứng khoán

Bộ chỉ số Hose Index gần hơn với chuẩn quốc tế

Việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho ra đời bộ chỉ số Hose Index là bước đi thiết thực hướng tới một thị trường chứng khoán chuyên nghiệp, minh bạch.

Đây là nhận định của ông Huy Nam – Thành viên Hội đồng chỉ số Hose Index bại buổi giới thiệu ra mắt bộ chỉ số này tại Hà Nội ngày 26/9.

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã từng bị hốt hoảng hay quá phấn khích trước các đợt giảm sâu hay tăng cao của một chỉ số, rất dễ hành động theo cảm tính, trong khi đó lại chưa có những nhìn nhận đúng mực để biết cách loại trừ hay tận dụng xu hướng của các chỉ số trong hoạt động đầu tư của mình.

Đảm bảo tính chính xác và ổn định

Nay, với việc ra đời bộ chỉ số Hose Index (với các chỉ số VNMidcap, VNSmall, VN100, VNAllshare) sẽ đặt nền móng cho việc xây dựng các yếu tố đồng bộ trong quá trình hoàn thiện thị trường. Giúp các nhà đầu tư có cách nhìn về diễn biến trên thị trường bớt chung chung như trước đó và khơi dậy các tính toán cho các sản phẩm và công cụ đầu tư tốt hơn, cụ thể hơn.

Bộ chỉ số chứng khoán mới Hose Index

Ông Nam đánh giá: “Việc phân đoạn chỉ số theo quy mô (kết hợp các yếu tố vốn hóa, freefloat và thanh khoản) sẽ cung cấp thông tin sát thực hơn các diễn biến trên thị trường theo nhóm. Các chỉ số trong bộ sẽ có sự đặc tả phân lập, có thể trái chiều... Đây là chỗ dựa cho các nhà đầu tư. Các tổ chức đầu tư, quỹ đầu tư và cả nhà đầu tư cá nhân có thể mô phỏng toàn bộ hay tham khảo chọn lọc để xây dựng danh mục cho mình”.

Còn theo ông Ông Trần Đắc Sinh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị SGDCK TPHCM SGDCK TPHCM triển khai thêm các chỉ số VNMidcap, VNSmallcap, VN100, VNAllshare. Chỉ số ngành mà trước tiên là các ngành có vốn hóa lớn nhất sẽ được tính toán đưa ra thị trường vào thời điểm phù hợp. Các quỹ chỉ số, sản phẩm phái sinh qua đó cũng sẽ có thêm nhiều lựa chọn hàng hóa cơ sở để đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của thị trường. Bộ chỉ số của Hose ra đời cũng tạo nên sự đồng bộ trong việc so sánh về chỉ số với các SGDCK trong khu vực.

Dưới góc nhìn của công ty quản lý quỹ Trình bày: Bà Lương Thị Mỹ Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho rằng: “Bộ quy tắc mới này đã tăng mức sàng lọc về tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) lên trên 10%, gần hơn với chuẩn quốc tế so với phiên bản 1.0 trước đây. Bên cạnh đó, bộ quy tắc đã thêm việc sàng lọc thanh khoản thông qua Tỷ suất quay vòng chứng khoán(Turnover ratio) trước khi thực hiện các bước sàng lọc như quy tắc VN30. Từ đó, có thể loại trừ được những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhưng không đảm bảo thanh khoản. Việc này góp phần tăng tính thanh khoản cho rổ Index được xây dựng trong bộ chỉ số giới thiệu kỳ này, VN30 đáp ứng khá tốt điều kiện này nhưng VNMidcap và đặc biệt VNSmallcap thì khó có thể đầu tư theo được.

Vẫn còn điểm hạn chế, có thể gây khó khăn nếu sử dụng Hose-index

Tuy nhiên, trong bộ Quy tắc Hose-index 2.0 vẫn còn điểm hạn chế, có thể gây khó khăn nếu sử dụng Hose-index cho việc xây dựng các sản phẩm ETF, các sản phẩm phái sinh.

Nói về những hạn chế của bộ chỉ số mới này ông Huy Nam cho rằng: Cho dù việc giới hạn tỷ trọng vốn hóa (10%) của cổ phiếu thành phần có giảm thiểu được mức độ chi phối của các cổ phiếu có vốn hóa lớn, nhưng nếu trong rổ chỉ số có các cổ phiếu free-float thấp (hoặc room cho NĐT nước ngoài hạn chế) sẽ đưa đến việc một số ETF có thể sẽ cân nhắc việc sử dụng chỉ số và nếu một “index-tracking fund” quy mô lớn muốn mua cho đủ một cấu phần trong danh mục của họ thì khó tránh việc này sẽ làm cho giá cổ phiếu đó tăng cao. Đây lại là một thực trạng của thị trường tại Việt Nam. Điều này có thể làm hạn chế khả năng giao dịch (investable) của các chỉ số trong bộ, hoặc kết quả biểu thị cũng khó tránh chút méo lệch.

Thanh khoản kém và các hạn chế theo luật là vấn đề khác. Vì thế các ETF nước ngoài thường ít sử dụng chỉ số tại các thị trường biên (frontier market). Mặt khác, cùng với yêu cầu thanh khoản, hoạt động giao dịch thứ cấp chứng chỉ ETF cũng sẽ khó sôi động trong điều kiện thiếu cơ chế ‘shortsale’. Mức độ khả thi trong phát triển các ETF do vậy có thể sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các hạn chế vừa nêu là ngoài tầm của một sở GD.

Điều hiển nhiên, không ai nghĩ việc ra đời bộ chỉ số sẽ làm bật dậy ngay một thị trường đang đói thanh khoản. Nhưng đây là điều tốt, là bước dọn đường thúc đẩy, gây cảm hứng và tạo cơ sở cho quá trình cải thiện/hoàn thiện thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi hy vọng niềm tin của nhà đầu tư sẽ ấm lên thông qua sự kiện này.

Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo