Tin tức - Sự kiện

Bộ Công an thấy sai là sửa

Rút dự thảo cho phép nộp phạt trực tiếp cho CSGT để chỉnh sửa, một lần nữa Bộ Công an đã cho thấy những ý kiến góp ý của dư luận đã được cơ quan này lắng nghe và tiếp thu rất tích cực.

Cụ thể, chiều ngày 18/2, trả lời báo NLĐ Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67)- Bộ Công an, cho biết "đã rút dự thảo xuống để chỉnh sửa, bổ sung cho hoàn chỉnh".

Ông Tuấn giải thích, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013) quy định người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có thể nộp tiền phạt dưới 3 hình thức: nộp phạt thông qua kho bạc nhà nước, nộp qua tài khoản ngân hàng và nộp tiền trực tiếp cho lực lượng ra quyết định xử phạt với những lỗi vi phạm có mức tiền phạt dưới 250 nghìn đồng với cá nhân và 500 nghìn đồng đối với tổ chức.
 
Bộ Công an rút dự thảo cho nộp phạt trực tiếp cho CSGT để chỉnh sửa
 
Thông tư Dự thảo lần 1 của Bộ Công an chỉ nhằm hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc khi thực hiện xử phạt.
 
“Hiện tại lực lượng CSGT trên cả nước vẫn đang tiến hành xử phạt tại chỗ theo đúng quy định tại Nghị định 171. Chỉ có địa phương nào có vướng mắc thì chúng tôi mới hướng dẫn”- ông Tuấn nói.
 
Quyết định rút dự thảo được đưa ra sau khi nhận được rất nhiều góp ý của các chuyên gia. Trong đó, điểm nhấn là quy định cho phép người vi phạm giao thông được nộp phạt trực tiếp cho CSGT. Theo giải thích của lãnh đạo ngành công an, quy định này nhằm giảm tiêu cực, hạn chế thủ tục hành chính  và chánh phiền hà cho người vi phạm.
 
Quy định này lập tức đã vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận. Nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng lạm quyền, tiêu cực, thậm chí còn khuyến khích vi phạm tăng lên.
 
ĐBQH Lê Như Tiến khẳng định, với quy định cho phép nộp phạt trực tiếp cho CSGT không những không giảm tiêu cực mà còn dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng chức quyền, trục lợi cá nhân.
 
Ông Tiến ví nó giống như "một tay ký quyết định phạt, một tay nhận tiền".
 
Trong khi đó ĐBQH Nguyễn Thị Khá lại lo ngại tình trạng tùy tiện, lạm quyền. Về phía các luật sư lại cho rằng, Bộ Công an đang tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm nghĩa là đang tạo điều kiện cho vi phạm tăng lên.
 
Về phía TS Lê Hồng sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) lại băn khoăn sẽ phát sinh vấn đề rất lớn về thẩm quyền cũng như tính hợp pháp của quy định này.
 
Bỏ phạt gái mại dâm, sửa Luật cư trú, hủy chứng minh thư
 
Chuyện văn bản ban hành rồi thu hồi, chỉnh sửa, bổ sung thời gian qua không hiếm. Điểm lại với ngành công an cũng có khá nhiều văn bản làm dậy sóng dư luận.
 
Như, dự thảo Nghị định 03 của Bộ Công an, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội... hành vi “mua, bán dâm đồi trụy” đã bị bãi bỏ.
 
Hay với quy định phạt "chì chiết", "thả rông". Ngay sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân và báo chí, Bộ Công an đã hủy bỏ một số quy định thiếu khả thi đó.
 
Mới đây, dư luận lại đồng loạt lên tiếng trước quy định phải xin phép khi chụp ảnh, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ. Cụ thể, tại công văn số 1042/C67-P3 ban hành ngày 26/4 về việc giả danh nhà báo ghi hình CSGT có nội dung: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
 
Ngay sau đó, dư luận cho rằng nội dung công văn trên có thể tạo điều kiện cho các hành vi tiêu cực như tham nhũng, nhận hối lộ trong ngành CSGT. Sau bao ngày gây sóng gió, đến nay Bộ Công an đã chính thức hủy nội dung gây gây tranh cãi trên.
 
Trước đó, Bộ đã ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật cư trú có nội dung xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc xuất cảnh 2 năm trở lên. Tuy nhiên, quan điểm này bị nhiều ý kiến phản đối, cho rằng không đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân được quy định trong Hiến pháp. Đến tháng 2/2013, Bộ Công an chính thức rút khỏi dự thảo nội dung này.
 
Bộ Công an cũng từng nhanh chóng tiếp thu và hủy bỏ quy định chứng minh thư nhân dân phải có tên cha mẹ khi bị chê là xâm phạm đời tư.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo